“Lực cản” trong sự phát triển của bóng đá Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 10/07/2019 09:23:18

Qua 5 năm thực hiện kế hoạch về “Chiến lược phát triển bóng đá Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” của UBND tỉnh, vẫn còn những nguyên nhân trở thành “lực cản” cho sự phát triển của bóng đá Đồng Tháp.


Câu lạc bộ Trường Đại học Đồng Tháp - đơn vị điển hình xây dựng phong trào bóng đá sinh viên, học sinh

Với thành tích từng hai lần vô địch Quốc gia và đóng góp nhiều tài năng cho bóng đá nước nhà, Đồng Tháp tự hào là trung tâm bóng đá mạnh của cả nước. Nhưng từ năm 2000 khi bóng đá chuyển sang chuyên nghiệp, việc xã hội hóa tài chính luôn khó khăn dẫn đến thành tích Đội tuyển Đồng Tháp bất ổn và việc lên xuống hạng diễn ra thường xuyên.

Thực tế chỉ ra chuyên nghiệp hóa bóng đá nhằm đổi mới theo xu thế hội nhập của khu vực, quốc tế. Vì thế xây dựng bóng đá chuyên nghiệp Đồng Tháp phải bắt đầu từ việc củng cố mô hình cổ đông và giải pháp trước mắt doanh nghiệp nhà nước phải làm nòng cốt để thu hút các doanh nghiệp tư nhân chung tay ủng hộ. Đồng thời, Nhà nước phải điều chỉnh các thiết chế lỗi thời về truyền hình, chuyển nhượng cầu thủ và chính sách thuế để bảo vệ quyền lợi, nguồn thu chính đáng cho Câu lạc bộ (CLB) tái đầu tư.

Mục tiêu quan trọng cấp thiết với CLB Đồng Tháp là phải nâng chất lượng đội hình, xây dựng lối chơi cống hiến để thuyết phục, lôi kéo khán giả đến sân. Vì chính khán giả là nhân tố quyết định đến nguồn thu và thu hút quảng cáo, doanh nghiệp tái đầu tư cho bóng đá. Đây là nhân tố quyết định, không làm được điều này đồng nghĩa các giải pháp khác cũng phá sản...

Hiện nay, ở các nước phát triển xác định phong trào bóng đá học đường là nền tảng xây dựng và có tính quyết định đến chất lượng bóng đá chuyên nghiệp. Các cơ sở vật chất, sân bãi bóng đá được Nhà nước đầu tư từng bước chuyển giao quản lý về ngành giáo dục và đào tạo. Đồng thời giải pháp quan trọng là thúc đẩy xã hội đầu tư vật chất, sân bãi bóng đá cho phát triển phong trào.

Còn tại Đồng Tháp, số lượng sân bóng đá 11 người ngày càng thu hẹp, ở một số địa phương, sân bóng đã được sử dụng vào mục đích khác. Phong trào bóng đá học đường chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để trở thành hoạt động thường xuyên của nhà trường tại cơ sở... Đây là một trong những nguyên nhân để bóng đá học đường chưa thật sự trở thành bệ phóng kế thừa tài năng cho bóng đá chuyên nghiệp.

Hệ thống thi đấu chậm đổi mới, hàng năm giải bóng đá vô địch tỉnh chỉ thu hút số lượng từ 6 - 8 đội về tham gia. Phong trào bóng đá lực lượng vũ trang và khối công nhân viên chức giảm sút..., là những biểu hiện đáng quan ngại về phong trào bóng đá tỉnh nhà.


Hội Cổ động viên luôn đồng hành cùng Câu lạc bộ DFC

Vì vậy, muốn thúc đẩy phong trào cần sớm thực hiện quy hoạch đề án về sân bóng đá 11 người gắn với xây dựng nông thôn mới và an ninh quốc phòng. Đồng thời phải hiện thực hóa đề án phát triển bóng đá học đường để định hướng cho phong trào phát triển rộng khắp.

Đồng Tháp từng được xem là “mỏ vàng” bóng đá của cả nước từ thập niên 90 đến những năm còn chơi ở đẳng cấp V.League. CLB Đồng Tháp được các tỉnh thành bạn chọn là điểm đến học tập về mô hình quản lý khép kín từ đội tuyển tỉnh đến các tuyến trẻ. Thế nhưng, sự khắc nghiệt trong môi trường chuyên nghiệp và điều kiện tài chính hạn hẹp nên CLB Đồng Tháp chưa bao giờ giữ chân được những cầu thủ tài năng “tinh tú” nhất của mình.

Hiện nay, sự bất cập trong phối hợp về chuyên môn cũng là vấn đề lớn của bóng đá Đồng Tháp. Bởi các mục tiêu, nguồn lực đầu tư đào tạo cầu thủ trẻ thuộc quản lý của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Trong khi CLB chỉ quản lý đội tuyển chuyên nghiệp với tham vọng kinh doanh bóng đá tạo nguồn thu. Vấn đề này cần có sự thống nhất giữa các bên nhằm hướng đến mục tiêu chung là sự phát triển của bóng đá tỉnh nhà.

 TRƯỜNG THƯ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn