100 ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh 1954 - sự kiện tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của quân dân Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 03/09/2012 07:23:53

Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, cùng với hai tỉnh khác ở khu vực miền Nam và Nam Trung bộ là Bình Định và Cà Mau, thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (tức thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp ngày nay) được chọn làm điểm tập kết chuyển quân ra Bắc trong 100 ngày của Quân đội Nhân dân Việt Nam ở các tỉnh Khu 8 và một số tỉnh miền Đông Nam bộ. Đây là điều đáng tự hào cho Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp.

Thời điểm đó có khoảng hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ từ các tỉnh Tân An (Long An), Mỹ Tho (Tiền Giang), SaĐéc (Đồng Tháp), Gò Công (Tiền Giang), Vĩnh Long và một phần của Bến Tre, Châu Đốc (An Giang) được triệu tập về điểm tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh. Lúc này, Đảng đưa ra ý kiến sáng suốt là để một số đồng chí tập kết ra Bắc nhằm tạo sức mạnh cho miền Bắc làm hậu phương vững chắc cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; một số đồng chí ở lại tiếp tục đối phó với địch trong việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Những ngày đầu tháng 9/1954, thị trấn Cao Lãnh vô cùng tấp nập. Người dân các nơi đổ về để tìm con, tìm chồng, tìm em, tìm cháu ra đi kháng chiến ngày nào và giờ lại sắp đi xa. Khắp các làng, xã thuộc huyện Cao Lãnh, đâu đâu cũng có quân cách mạng đóng. Với tinh thần “Đi là nghĩa vụ, ở là vinh quang”, các chiến sĩ bùi ngùi chia tay gia đình, đồng đội, đồng chí để lên đường tập kết ra Bắc.

Ngày 29/10/1954, hàng nghìn đồng bào từ khắp các làng xã các thị xã, thị trấn xa xôi kéo về bến bắc Cao Lãnh để tiễn đưa con em xuống tàu tập kết ra Bắc. Người lên đường với quyết tâm sắt đá “hôm nay chia tay để ngày mai gặp lại trong cảnh huy hoàng của Tổ quốc”, ra Bắc học tập, rèn luyện để trở về chiến đấu giải phóng quê hương. Người tiễn đưa gửi bộ đội dâng Bác và Trung ương Đảng “nắm đất miền Nam” - đất có mồ hôi, nước mắt của bao đời ông cha khai phá, là máu xương của nhiều lớp chiến sĩ quyết tâm bảo vệ đến cùng. Đây là cuộc chia ly vì nghĩa lớn thiêng liêng, cao cả nhưng cũng hết sức cảm động. Cảnh mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng, con tiễn cha trong những ngày sôi động ấy đã hằn sâu trong tiềm thức của cả một thế hệ, đánh dấu một mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam và là một nhu cầu chiến lược về nhân sự cốt cán cho đất nước sau này, đặc biệt là cuộc kháng chiến trường kỳ 21 năm chống Mỹ cứu nước để giành độc lập và tự do cho dân tộc.

100 ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh là một trăm ngày thắm đượm nghĩa tình “quân dân cá nước”. Bộ đội vừa học tập Hiệp định vừa giúp dân sửa nhà, đắp đường, bắc cầu, dạy học sinh học chữ, ca múa những bài hát cách mạng, làm vệ sinh sông Cao Lãnh... Đặc biệt, trong thời gian tập kết, Tiểu đoàn 311 của tỉnh cùng góp sức với nhân dân gấp rút xây dựng hai công trình có ý nghĩa to lớn là Đài liệt sĩ và mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc ngày nay). Đó cũng là thành quả của 9 năm ròng chiến đấu trong bưng biền để có được 100 ngày sống trong hòa bình, yên lành và hạnh phúc của thời gian tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh.

Kế thừa và phát huy những bài học quý báu trong đấu tranh giải phóng dân tộc, sự đổi thay kỳ diệu của đất nước trong hòa bình nhắc nhở chúng ta phải ra sức phấn đấu để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha, anh. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của đất nước, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tự hào về quá khứ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã, đang và sẽ quyết tâm đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển vào hàng khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2015, góp phần cùng với nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đồng thời tiếp tục thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4, 5 (khóa XI) của Đảng.

Nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, niềm tự hào về các đồng chí, cán bộ lão thành cách mạng từng tham gia tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh, Tỉnh ủy Đồng Tháp tổ chức Họp mặt kỷ niệm 58 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954 - 2012) và phát động viết Hồi ký lịch sử sự kiện 100 ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh (1954 - 2014), tại hai địa điểm: Đồng Tháp (31/8/2012) và thành phố Hồ Chí Minh (28/9/2012). Đây là hoạt động đáp ứng nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của đội ngũ cán bộ lão thành cách mạng, góp phần làm phong phú kho tàng lịch sử Đảng bộ Tỉnh trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.

Ngô Thị Thủy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn