Kiên định mục tiêu nâng cao chất lượng sống của Nhân dân

Cập nhật ngày: 19/10/2020 05:32:30

ĐTO - Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đang diễn ra tại TP.Cao Lãnh. Bên lề Đại hội, phóng viên Báo Đồng Tháp có dịp gặp gỡ, ghi nhận ý kiến về các nội dung mà đại biểu dự Đại hội quan tâm.


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương trả lời phỏng vấn. 
Ảnh: Phước Lộc

“Xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ, kiến tạo, phát triển” - đây là chia sẻ đầy quyết tâm của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đồng Tháp về công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Đồng Tháp trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tiếp nối những thành quả quan trọng trong công tác CCHC trên địa bàn tỉnh thời gian qua, UBND tỉnh nhất quán với chủ trương xây dựng: “Chính quyền thân thiện, phục vụ, kiến tạo, phát triển”. Trọng tâm trong nhiệm kỳ tới là tạo thuận lợi nhiều hơn nữa, nâng cao và hướng đến sự hài lòng cao nhất của cá nhân, tổ chức trong các giao dịch hành chính. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đẩy mạnh thực hiện các TTHC liên thông, nâng cao chất lượng thực hiện các dịch vụ công trên các lĩnh vực. Đặc biệt là tiếp tục đổi mới và thực hiện tốt các mô hình cải cách đã được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao như: Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp, Tổng đài 1022, Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ công, mô hình hẹn giờ thực hiện TTHC tại nhà người dân, mô hình “4 tại chỗ trong một ngày làm việc”.

Từ việc luôn cầu thị và biết đặt mình vào vị trí của người dân, doanh nghiệp, tôi tin tưởng rằng chính quyền các cấp sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ. Qua đó, triển khai ngày càng nhiều các mô hình mới, cách làm hay để tạo thuận lợi và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, thân thiện và minh bạch hơn.

Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC, trong đó tập trung triển khai các giải pháp mạnh mẽ nhằm tạo dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi hơn, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo theo đúng phương châm: Xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, phục vụ Nhân dân, điều hành năng động, quản lý hiệu quả. Đặc biệt trong nhiệm kỳ mới, tỉnh sẽ quan tâm triển khai xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số, trong đó dữ liệu công dân, hành chính, điều hành của chính quyền được tích hợp và thực hiện trên nền tảng dữ liệu lớn, số hóa triệt để, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, bộ máy vận hành... Qua đó, cho phép nâng cao hơn nữa tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và khả năng tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền.

UBND tỉnh kỳ vọng công tác CCHC trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới tiếp tục khởi sắc và gặt hái được những thành tựu quan trọng, góp phần tích cực giúp Đồng Tháp luôn nằm trong tốp đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (ICT)... Qua đó, góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt là mang đến sự tin tưởng và hài lòng ngày càng cao đối với người dân, doanh nghiệp về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.


Ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đồng Tháp tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nhưng sẽ đi vào chiều sâu hơn, kinh tế vẫn là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, chú trọng sự hài hòa trong phát triển giữa các lĩnh vực: kinh tế - xã hội - văn hóa - môi trường - an ninh, quốc phòng và sự hưởng lợi của người dân. Trên cơ sở đó, tỉnh đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu khá cao (GRDP bình quân 7,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người đến 2025 đạt 92 triệu đồng/người; giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%; phấn đấu cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới,...) nhằm phấn đấu giữ và vươn lên tốp trên của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đó, tỉnh đã đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và 5 đột phá chiến lược trên tinh thần đúc kết và khai thác hiệu quả hơn những kinh nghiệm, lợi thế, tiềm năng trên các lĩnh vực gắn với xu thế hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đặc biệt là phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trong định hướng chiến lược phát triển của tỉnh. Cụ thể, Một là, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với những cách làm sáng tạo, xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tạo nền tảng ổn định phát triển kinh tế nông nghiệp xanh; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn. Hai là, phát triển công nghiệp hợp lý, giữ vai trò đầu tàu phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm nhiệm vai trò phục vụ phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Ba là, phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh và hiện đại, đặc biệt phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử; phát huy hiệu quả tiềm năng kinh tế biên giới đất liền, đi đôi với việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và mở rộng thị trường trong và ngoài nước, nâng cao giá trị hàng hoá mà địa phương có lợi thế. Bốn là, đẩy mạnh phát triển du lịch trên nền tảng phát huy hình ảnh địa phương, gắn lợi thế về nông nghiệp, con người, văn hóa, nhất là loại hình du lịch cộng đồng nhằm nâng cao dân trí và thu nhập cho nông dân. Năm là, phát huy vai trò doanh nhân, doanh nghiệp, người dân không chỉ trong đổi mới sáng tạo, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn có trách nhiệm vì cộng đồng, vì quê hương, đất nước. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhằm thu hút và phát huy các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững.

Trong số 5 nhóm định hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra, Đồng Tháp xác định 3 đột phá chiến lược về phát triển kinh tế để tập trung các nguồn lực thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2025.

Thứ nhất, đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông, tạo nền tảng kết nối và phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch gắn kết hài hòa với phát triển đô thị.

Thứ hai, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, phát triển mô hình nông nghiệp thông minh, ưu tiên chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ ba, tập trung phát triển doanh nghiệp và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp theo hướng nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả, đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế, gắn kết nguồn lực và tham gia chuỗi các ngành hàng chủ lực của tỉnh.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đồng Tháp vẫn kiên định mục tiêu không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng bằng mọi giá mà tập trung phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân, đồng hành cùng doanh nghiệp; giải quyết tốt các vấn đề xã hội như: tạo việc làm, giảm nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục... từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đây là mục tiêu mang tính hiện thực cao và chắc chắn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Tháp sẽ nỗ lực đạt được, để từ đó cùng cả nước tổ chức thực hiện thành công tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, vì một nước Việt Nam hùng cường, Nhân dân ấm no, hạnh phúc.


Đồng chí Nguyễn Hồng Sự

Đồng chí Nguyễn Hồng Sự - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cao Lãnh: Với tư cách là một đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, cá nhân tôi nghĩ rằng thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố tổ chức đảng và đảng viên luôn được các cấp ủy chú trọng, với nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đổi mới phương thức lãnh đạo. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đảng viên và đã đề xuất một số nội dung cần tập trung. Đó là tiếp tục củng cố, kiện toàn các tổ chức đảng; cấp thẩm quyền cần rà soát, sửa đổi, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng loại hình tổ chức đảng; sơ kết, tổng kết việc thực hiện những mô hình thí điểm và nhân rộng những mô hình có hiệu quả.

Các cấp ủy nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt của đảng bộ, chi bộ, thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng; thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới, nâng cao bản lĩnh chính trị, kỹ năng lãnh đạo, điều hành cho Bí thư, Phó Bí thư và cấp ủy viên ở cơ sở. Thực hiện tốt công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên hằng năm theo quy định. Các cấp ủy cần lãnh đạo chặt chẽ công tác phát triển đảng viên, bảo đảm số lượng và chất lượng; thực hiện tốt công tác phân công, quản lý đảng viên; thường xuyên rà soát, sàng lọc, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên; thường xuyên tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kịp thời phát hiện, nêu gương những đảng viên gương mẫu, có thành tích xuất sắc và tuyên truyền, giáo dục, giúp đỡ những đảng viên có khuyết điểm, tạo điều kiện để đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, người đứng đầu trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở. Đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, coi trọng kiểm tra, giám sát việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát thường xuyên của cấp ủy, Ủy ban kiểm tra cấp ủy, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa những dấu hiệu vi phạm. Đồng thời tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của Đảng, chính quyền; thực hiện nghiêm túc, nền nếp việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp định kỳ tiếp xúc, đối thoại với đảng viên, Nhân dân; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Nhóm PV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn