Thực hiện Quyết định số 221 của Ban Bí thư:

Tạo được đồng thuận và ổn định trong phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật ngày: 04/03/2019 16:23:28

ĐTO - Theo Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, qua triển khai lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân” (viết tắt là Quyết định số 221-QĐ/TW) trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng.


Diện mạo của xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười ngày càng thay đổi sau khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới

Đặc biệt, đối với những vấn đề nổi cộm, bức xúc, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp nắm bắt, xử lý các vấn đề tác động trực tiếp tới nhân dân như: ô nhiễm môi trường, các tồn tại về quản lý đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân; khủng hoảng truyền thông... Chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, những diễn biến phức tạp nảy sinh có liên quan đến các sự kiện, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước. Tăng cường công tác thông tin, định hướng tư tưởng về tình hình thực hiện các chủ trương, chính sách lớn, những vấn đề thời sự trong nước, quốc tế được dư luận quan tâm bằng các hình thức: hội nghị báo cáo viên, hội nghị cộng tác viên dư luận xã hội, bản tin định kỳ phục vụ sinh hoạt chi bộ, bản tin sinh hoạt Hội quán...

Phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội trong nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, đấu tranh với các thông tin, quan điểm sai trái. Tập trung công tác đối thoại trực tiếp với nhân dân nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc trên địa bàn. Qua đó, tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề tư tưởng, dư luận xã hội nảy sinh ngay trong từng chủ trương, chính sách từ cơ sở, không để tâm trạng lo lắng, bức xúc kéo dài, dẫn đến “điểm nóng”. Việc chỉ đạo phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với UBND cùng cấp và các cơ quan quản lý nhà nước đã tạo chuyển biến mạnh trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của địa phương. Vai trò quan trọng của công tác tư tưởng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vấn đề nắm bắt dư luận xã hội và định hướng tư tưởng trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị.

Công tác phối hợp đã cung cấp kịp thời, sát thực hơn các thông tin cho cán bộ chủ chốt, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên. Qua đó, giúp cán bộ chủ chốt, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên nắm bắt để tham mưu, chỉ đạo tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhờ thực hiện tốt công tác phối hợp, đã tạo được đồng thuận của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng. Công tác khiếu nại, tố cáo, giải tỏa, đền bù, giải phóng mặt bằng giảm đáng kể. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng, có 48/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao được tập trung đầu tư nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định, không để xảy ra các vụ việc, tụ điểm gây bức xúc lớn trong nhân dân.

Các đơn vị, địa phương chủ động phát động các phong trào thi đua, khuyến khích cán bộ, đảng viên có sáng kiến, cách làm mới trong công việc nhằm phát huy hiệu quả. Từ đó, xuất nhiều tấm gương điển hình, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nhân tố mới, điển hình tiên tiến bằng nhiều hình thức: tổ chức cuộc thi, sân khấu hóa, thông tin trong các cuộc họp chi bộ. Các cơ quan thông tin đại chúng đăng tải tin, bài, phóng sự về gương người tốt việc tốt, cách làm hay thông qua các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự đã tạo được sức lan tỏa trong toàn tỉnh.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp phát huy tính nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo hiệu ứng tích cực ở từng đơn vị, địa phương. Các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm xây dựng, tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức theo Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cán bộ lãnh đạo các cấp có ý thức trong nêu gương về đạo đức, lối sống, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tác phong gần dân, sát cơ sở; chủ động đối thoại với nhân dân, tháo gỡ bức xúc của người dân.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn