Tình hình sản xuất nông nghiệp đạt nhiều thuận lợi

Cập nhật ngày: 02/10/2018 03:30:06

ĐTO - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 9 tháng đầu năm, tình hình sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt nhiều thuận lợi như giá bán phục hồi, duy trì ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi được kiểm soát tốt góp phần thúc đẩy nông nghiệp tỉnh nhà phát triển.


Cây ăn trái - sản phẩm thế mạnh của tỉnh

Theo đó, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp trong 9 tháng đầu năm đạt trên 34.000 tỷ đồng và giá trị sản xuất cả năm đạt trên 42.500 tỷ đồng, giá trị tăng thêm đạt gần 17.200 tỷ đồng (tăng 5,1%) so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng đầu năm, diện tích gieo trồng lúa của tỉnh đạt trên 500 ngàn ha, đạt 94% kế hoạch. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được 400 ngàn ha, sản lượng đạt 2,6 triệu tấn. Theo thống kê, ngành nông nghiệp, diện tích canh tác lúa giảm so với năm 2017 do một số khu vực sắp xếp lại thời vụ và chuyển đổi cây trồng. Ngoài ra, dự báo tình hình nước lũ lên sớm và cao nên một số ô bao của huyện Tân Hồng, Tam Nông, TX.Hồng Ngự có chủ trương xả lũ để đảm bảo an toàn cho sản xuất.

Thời gian qua, điều thuận lợi trong sản xuất lúa chính là giá lúa giữ mức cao. Trong vụ đông xuân 2017-2018, bình quân giá lúa khô khoảng 5.850 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ từ 650-750 đồng/kg, lợi nhuận thu về khoảng 20-22 triệu đồng/ha. Vụ hè thu 2018, một số diện tích thu hoạch đầu vụ giá bán tương đối cao, tăng hơn cùng kỳ từ 500-1.000 đồng/kg. Nhờ áp dụng cơ giới hóa và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giúp người dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, tăng lợi nhuận.

Đối với tình hình liên kết tiêu thụ lúa, đến nay có 63 công ty, thương lái thực hiện liên kết tiêu thụ với diện tích 33.300ha, sản lượng tiêu thụ thực tế là 220.000 tấn (2 vụ đông xuân và hè thu). Theo đó, 9 tháng đầu năm giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo đạt 13.800 tỷ đồng và ước cả năm đạt 17.200 tỷ đồng, tăng hơn 1.400 tỷ đồng so với năm 2017. Diện tích trồng hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày đạt 23.900ha, bằng 60% kế hoạch.

Theo đó, giá trị sản xuất hoa màu cây công nghiệp ngắn ngày đạt 3.200 tỷ đồng và ước cả năm đạt 4.330 tỷ đồng. Để tạo đầu ra ổn định, nông dân đã quan tâm đến việc liên kết tiêu thụ nông sản. Thời gian qua, nông dân huyện Thanh Bình thực hiện liên kết tiêu thụ bắp ngọt trong vụ đông xuân 2017- 2018, hè thu với diện tích 140ha với giá 3.800- 4.000 đồng/kg. Ngoài ra, mặt hàng đậu nành rau cũng được Công ty AntexCO tiêu thụ vụ đông xuân và hè thu gần 12ha, với giá dao động 9.300 - 9.500 đồng/kg.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, các địa phương triển khai thực hiện sản xuất khoai lang theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ, mô hình trồng nấm rơm trong nhà, sản xuất khoai môn theo hướng an toàn, trình diễn rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao.

Cây ăn trái là một trong những sản phẩm tiềm năng của tỉnh, 9 tháng đầu năm, diện tích gieo trồng cây lâu năm đạt gần 30.000ha, tăng 2.000ha so với cùng kỳ và vượt 2,3% so với kế hoạch năm. Diện tích các loại cây ăn trái tăng chủ yếu là xoài, nhãn và cây có múi. Thực hiện tái cơ cấu ngành hàng xoài, các hợp tác xã, tổ hợp tác đẩy mạnh liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp với 2.200 tấn. Trong đó, sản lượng liên kết ngoài tiêu thụ trong nước còn phục vụ thị trường nước ngoài như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Nga, Ý.

Bên cạnh đó, các loại cây ăn trái thế mạnh khác như quýt đường, ổi, chanh cũng được Công ty VinGroup liên kết tiêu thụ gần 300 tấn. Riêng thanh long ruột đỏ được Công ty Thạch Võ liên kết tiêu thụ trên 600 tấn. Trong 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất cây ăn trái đạt 3.400 tỷ đồng, ước cả năm đạt 4.400 tỷ đồng.

Tình hình chăn nuôi của tỉnh tương đối ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Ngành nông nghiệp định hướng tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi theo hướng chăn nuôi trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp, từng bước đưa chăn nuôi vào chuỗi sản xuất thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nổi bật trong thời gian qua là mô hình nuôi vịt rọ gắn kết với các doanh nghiệp thu mua trứng vịt (Công ty Vĩnh Thành Đạt) và các công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi (Công ty CP, Công ty Greenfeed), cách làm này giúp người chăn nuôi an tâm sản xuất, chi phí đầu vào thấp, chất lượng trứng tốt hơn nên giá bán sản phẩm cũng cao hơn từ 150 đồng - 250 đồng/trứng so với giá trứng của các nông hộ nuôi vịt chạy đồng.

Tình hình nuôi trồng thủy sản trong những tháng đầu năm khá thuận lợi khi giá bán tăng cao, tình hình tiêu thụ khá thuận lợi, giá bán luôn cao hơn giá thành sản xuất.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn