Kích hoạt điện thoại bằng nhịp tim

Cập nhật ngày: 09/10/2012 04:58:50

Chỉ bằng động tác chạm nhẹ vào màn hình, người dùng có thể kích hoạt các thiết bị điện tử cá nhân khi chúng xác nhận được nhịp tim của họ.


Kỹ thuật sinh trắc học đang chào đón công nghệ mới

Điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy chơi game và những thiết bị khác có thể sẽ sớm nhận dạng chủ nhân chỉ bằng một cái chạm. Điều này nhờ các cảm biến đo nhịp tim thông qua đầu ngón tay.

Nhịp tim là duy nhất

Thông thường, bác sĩ thường phải dán các cảm biến lên ngực bệnh nhân nếu muốn đo điện tâm đồ (ECG) cho họ. Mới đây, các nhà nghiên cứu đã phát minh được các cảm biến mỏng và rẻ tiền, cho phép đo từ đầu ngón tay. Các cảm biến dạng này có thể cho phép nhúng những phép đo nhịp tim vào điện thoại thông minh và các thiết bị khác, dù nó không chính xác như được bác sĩ tự tay thực hiện. Bên cạnh đó, trước đây khi nhìn vào điện tâm đồ, nhịp tim của nhân loại đều có cùng hình dạng, mỗi nhịp đập đại diện cho một đường lên hoặc xuống cho mọi hình chụp. Nay, các chuyên gia lại phát hiện một thực tế bất ngờ là hình dạng của những đường lên - xuống đó lại khác biệt ở mỗi người. Điện tâm đồ của mỗi người là độc nhất vô nhị, và sự đặc biệt đó vẫn duy trì trong lúc nhịp tim thay đổi khi hưng phấn hoặc lúc tập luyện, cũng như không thay đổi theo thời gian.

“Kỹ thuật sinh trắc học ECG (điện tâm đồ) cho phép nhận dạng con người qua nhịp tim. Không chỉ số lần đập mỗi phút, mà qua biểu đồ nhịp đập của tim”, Foteini Agrafioti, kỹ sư Đại học Toronto (Canada), người phát triển phiên bản công nghệ này và mới lập Công ty Bionym để giới thiệu sản phẩm “HeartID” ra thị trường. “Bất cứ thiết bị nào mà bạn dùng cả hai tay, như iPad hoặc điện thoại thông minh, đều có thể cài đặt ứng dụng nhận dạng ECG”.

Chìa khóa lý tưởng

Các chương trình vi tính phân tích ECG khác nhau thường cho kết quả hơi khác biệt, nhưng về tổng quan, chúng đủ chính xác để sử dụng cho những hệ thống nhận dạng riêng, theo chuyên gia Agrafioti. Thậm chí website Bionym còn đề nghị dùng chương trình “HeartID” cho cảnh sát hoặc trong quân đội. Tuy nhiên, Ana Fred, kỹ sư của Đại học Kỹ thuật ở Lisbon (Bồ Đào Nha) cũng đang nghiên cứu công nghệ này, lại cho rằng ECG chưa sẵn sàng cho mục đích an ninh cấp cao. Lấy dấu vân tay vẫn chính xác hơn, nhưng có thể bổ sung phân tích nhịp tim để tăng cường độ bảo mật của thiết bị.

Adrian Chan, kỹ sư của Đại học Carleton (Canada), thêm rằng cảm biến cũng đảm bảo người đăng nhập phải là người còn sống, chứ không như trong phim ảnh kẻ xấu có thể chặt ngón tay một người và dùng nó để xâm nhập hệ thống. Chuyên gia Chan cũng nhắc lại một cuộc nghiên cứu vào năm 20120, theo đó máy quét vân tay bị đánh lừa bằng ngón tay trong suốt in dấu vân tay của người có quyền đăng nhập. Theo trang tin TechNewsDaily, các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng những cảm biến đo nhịp tim sẽ khiến những hành động giả mạo khó thực hiện hơn, vì nhịp tim được giấu kỹ bên trong cơ thể mỗi người và do vậy không thể "lấy trộm" được.

Nói tóm lại, theo các chuyên gia, phương pháp nhận dạng bằng nhịp tim, được nhúng vào điện thoại di động hoặc máy tính bảng, có thể ngăn chặn những người xâm nhập hoặc bảo đảm quyền riêng tư cho từng người dùng chung một thiết bị. Bên cạnh đó, phương pháp nhận dạng này cũng có thể được bổ sung hoặc bổ trợ cho các biện pháp sinh trắc học khác, như dấu vân tay chẳng hạn. Và không như một vài dự án siêu tưởng khác, nhận dạng bằng nhịp tim có lợi thế do nó là công nghệ hiện có sẵn và bất cứ lúc nào cũng sử dụng được.

TT (Theo Hạo Nhiên-TNO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn