Cách xử lý bệnh chổi rồng trên nhãn

Cập nhật ngày: 01/08/2012 13:36:23

Đoàn cán bộ tỉnh Đồng Tháp vừa có chuyến tham quan Thái Lan để học tập kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, trong đó việc trồng nhãn và dập dịch chổi rồng ở Thái Lan có nhiều hiệu quả có thể áp dụng ở Đồng Tháp.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, hiện nay cây nhãn ở Đồng Tháp cũng như trong các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang bị nhiễm bệnh chổi rồng (7 tỉnh trong vùng công bố dịch). Diện tích nhãn ở Đồng Tháp có 5.087ha thì có đến 3.800ha (trên 80%) bị bệnh chổi rồng tại các huyện: Châu Thành, Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh. Bệnh gây thiệt hại nặng cho nhà vườn. Nhà vườn rất hoang mang vì nhãn là nguồn thu nhập chính, hiện nay biện pháp dập dịch chổi rồng nhìn chung là chưa thống nhất.


Giống nhãn Edor ở Tân Thuận Đông (TP. Cao Lãnh)

Qua tham quan vườn nhãn ở huyện Phongnamrhon tỉnh Chanthaburi, được biết các vườn nhãn ở Thái Lan bị nhiễm chổi rồng từ năm 1997, diện tích nhãn lúc đó chỉ còn 41.504ha, sản lượng 238.000 tấn. Do xác định giống nhãn Daw là giống kháng bệnh chổi rồng, Bộ Nông Nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan chỉ đạo nhân nhanh, nên sau thời gian ngắn đã chiếm 73% diện tích. Nhờ đó, đến năm 2005 diện tích nhãn hồi phục lại được 153.190ha, sản lượng 705.534 tấn và xuất khẩu 242.000 tấn. Hiện những trang trại lớn trồng nhãn ở Thái Lan (tháng 5-2008) đã có 58.178ha của 59.247 nông hộ trồng nhãn được chứng nhận GAP.

Qua trao đổi với các hộ trồng nhãn tại nơi tham quan, nhiều kinh nghiệm đã được hai bên trao đổi để cùng phát triển cây nhãn Edor. Về mặt kỹ thuật canh tác, nhìn chung không có khác biệt lớn giữa nông dân trồng nhãn hai địa phương Thái Lan và Đồng Tháp, nhưng khác biệt ở đây là tính làm ăn tập thể và thực hiện các kỹ thuật đồng loạt theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã. Tại nơi tham quan, bình quân mỗi hộ có 10ha, cứ 100 hộ thành lập một nhóm xử lý ra hoa đồng loạt để thu hoạch vào tháng 12 cho đến tháng 1. Những tháng còn lại được Bộ Nông Nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan giao cho các tỉnh khác để tránh dội chợ, rớt giá và lúc nào cũng có nhãn xuất khẩu do sự phân công rải vụ giữa các tỉnh nên giá nhãn giữ được ở mức cao (tương đương 17.500 - 21.000 đồng Việt Nam/kg), nhà vườn có lợi khoảng 7.000 đồng/kg. Nông dân ý thức sử dụng clorat kali làm cháy rễ nên ngoài phân hóa học họ còn sử dụng phân hữu cơ để bồi dưỡng cho đất. Vườn nhãn có bị chổi rồng nhưng tỷ lệ rất thấp do giống Edor có khả năng chống chịu và nhờ vào cách phun thuốc xử lý nhện đồng loạt.

Qua tham quan vườn nhãn ở Thái Lan, có 3 tiến bộ kỹ thuật có thể áp dụng trên vườn nhãn tại Đồng Tháp. Cụ thể, nông dân có thể xử lý ra hoa rải vụ để tránh tình trạng dội chợ, rớt giá, lúc nào cũng có nhãn cho thị trường trong nước và xuất khẩu; sử dụng giống kháng bệnh là biện pháp hữu hiệu và rẻ tiền nhất để khống chế bệnh chổi rồng; xây dựng các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã áp dụng các biện pháp kỹ thuật một cách đồng loạt, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn theo yêu cầu của doanh nghiệp, không còn manh mún, tự phát theo kiểu mạnh ai nấy làm.

Duy Tân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn