Đảm bảo an toàn cho di tích

Cập nhật ngày: 24/07/2013 04:28:07

Tính đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 64 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 13 di tích cấp Quốc gia và 50 di tích cấp tỉnh.

Để công tác quản lý di tích đạt hiệu quả, nhiều năm qua, các sở, ngành tỉnh, chính quyền địa phương cùng nhân dân nơi có di tích có sự quan tâm quản lý; việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ và phát huy các giá trị di tích được chú trọng.


Người dân vệ sinh Đình Thường Lạc, thị xã Hồng Ngự (di tích lịch sử)

Nhiều địa phương đã xây dựng quy chế phối hợp, đưa các nội dung về bảo vệ, phát huy di tích vào quy ước để nhân dân cùng biết và thực hiện. Công tác phòng, chống trộm cắp được tăng cường thường xuyên và có nhiều biện pháp xử lý kịp thời bảo vệ an toàn di tích lịch sử văn hóa. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ trước đến nay không có di tích nào trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng bị mất trộm hiện vật, cổ vật, cây kiểng có giá trị.

Công tác phòng, chống lụt bão được ngành chức năng phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người trông coi di tích, thường xuyên mở loa phát thanh lồng ghép với nội qui tham quan di tích tuyên truyền đến người dân, khách tham quan, qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ an toàn cho di tích. Ban quản lý các khu di tích trên địa bàn đã chủ động mé cây xanh và xử lý cây có nguy cơ ngã, đổ, quét dọn lá khô, kiểm tra những nơi đọng nước, thấm dột các mái nhà di tích. Các di tích gần sông thì trồng cây tràm tạo thành lớp chắn sóng, ngăn xói lở.

Ban quản lý các khu di tích còn thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương bảo đảm an ninh trật tự trong di tích và khách đến tham quan, cúng viếng, hành hương; phối hợp với ngành chức năng thường xuyên kiểm tra hệ thống, phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy; tăng cường thanh tra, kiểm tra các hiện tượng mê tín dị đoan như đốt vàng mã trong dịp lễ hội không để xảy ra tình trạng cháy, nổ. Tại Bảo tàng Tổng hợp Đồng Tháp có trang bị hệ thống báo cháy và chống trộm nhằm phòng ngừa hiện tượng xâm hại di tích có thể xảy ra.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, bên cạnh những hiệu quả đạt được, công tác phòng, chống lụt bão, cháy nổ, trộm cắp tại các bảo tàng, di tích trong tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định như: nhiều thành viên trong Ban quản lý các di tích (thuộc các huyện, thị xã, thành phố quản lý) phải kiêm nhiệm, biên chế cho cán bộ chuyên trách tại các điểm di tích đến nay vẫn còn thiếu và yếu.

Mặt khác, một số di tích cấp tỉnh đang có nguy cơ xuống cấp, kinh phí đầu tư trang thiết bị phòng, chống cháy nổ còn hạn chế. Phần lớn các di tích cấp tỉnh chưa có sự hỗ trợ kinh phí từ phía Nhà nước, các địa phương thực hiện theo phương thức xã hội hóa, đôi lúc không kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho công tác trùng tu, sửa chữa, nên việc đảm bảo an toàn cho di tích theo hướng lâu dài chưa thật sự hiệu quả.

H.Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn