Đình làng trong ký ức người dân

Cập nhật ngày: 08/02/2021 05:25:35

ĐTO - Đình làng là cơ sở tín ngưỡng, nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn liền với đời sống người dân. Trải qua bao thăng trầm biến đổi nhưng các ngôi đình trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại, gắn bó với người dân, đó là nhờ vào những con người có tấm lòng, tình yêu đặc biệt đối với đình làng đã từng ngày chăm sóc, gìn giữ để các ngôi đình tồn tại mãi với thời gian. 


Đình Định Yên (xã Định Yên, huyện Lấp Vò) - Một cơ sở tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa gắn với đời sống người dân

Những hồi ức đẹp về đình làng

Mùa xuân này, cụ Nguyễn Công Ích (ngụ ấp An Khương, xã Định Yên, huyện Lấp Vò, Trưởng Ban Tế tự Đình Định Yên) bước sang tuổi 82, nhưng những hồi ức về ngôi Đình Định Yên vẫn in đậm trong tâm trí.

Cụ Ích kể, ngày xưa, Đình Định Yên lập ra thờ thần Thành hoàng Bổn cảnh. Đình là nơi giải quyết công việc, tổ chức lễ hội, sinh hoạt văn hóa phục vụ người dân. Tuổi thơ của cụ có nhiều kỷ niệm, ký ức gắn liền với ngôi đình. Mỗi khi tới lễ cúng ở đình, cụ theo cha mẹ đến đình chơi bắt trốn, bắn bi với các bạn và có khi ăn cơm ở đình. Ký ức ấn tượng nhất của cụ vẫn là những ngày diễn ra lễ cúng Hạ điền. Không khí ngày đó thật rộn ràng, vui hơn ngày Tết, từng dòng người đến cúng đình, cầu cho mưa thuận gió hòa, gia đình bình an; người lớn xem hát bội, trẻ con xem thỉnh sắc, nghe thổi kèn Tây,... náo nhiệt cả một khúc đường. Với những tình cảm, kỷ niệm gắn bó với ngôi đình, nhiều năm qua, cụ Ích tham gia vào Ban Tế tự Đình Định Yên, cụ Ích chia sẻ: “Mỗi năm vào các lễ cúng ở đình, tôi cùng các thành viên trong Ban Tế tự luôn duy trì đúng các nghi lễ để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của ngôi đình; tạo điều kiện để bà con đến đình sinh hoạt, gần gũi, gắn bó hơn với ngôi đình, qua đó giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống và giá trị của ngôi đình”.


Ông Trần Văn Hiền hằng ngày quét dọn, lo hương khói cho Đình Định Yên

Kế thừa truyền thống giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của ngôi đình, hiện nay nhiều người dân ở địa phương tích cực chăm sóc, giữ gìn ngôi đình bằng cả tấm lòng. Nhà chỉ cách đình vài chục mét nhưng chú Trần Văn Hiền (SN 1965) ngụ ấp An Lợi A, xã Định Yên (ông Từ của đình) ít khi về nhà mà tình nguyện ở lại giữ đình suốt 10 năm qua. Hằng ngày, chú hương khói trong đình, quét dọn các bàn thờ, trồng hoa, nhổ cỏ trong khuôn viên đình. Chú Hiền bộc bạch: “Tôi xem đình như ngôi nhà thứ hai của mình. Tôi mong những việc làm nhỏ bé của mình sẽ góp phần chăm sóc, giữ gìn ngôi đình để đình tồn tại mãi với thời gian”. Còn cô Nguyễn Thị Đời (SN 1949) ngụ ấp An Khương, xã Định Yên chia sẻ: “Tôi làm nghề dệt chiếu, nhưng mỗi năm đến lễ cúng đình, tôi đều nghỉ vài ngày đến đình phụ nấu ăn. Trước là để giúp các chú trong Ban Tế tự, sau để làm những món ăn dâng lên cúng, cầu mong con cái hiếu thảo, gia đình hạnh phúc, làm ăn suôn sẻ”. Những tấm lòng thơm thảo đó đã giúp ngôi Đình Định Yên được bảo tồn. Đình Định Yên đã được công nhận là Di tích cấp Quốc gia.


Hát bội - một trong những hoạt động được Ban Tế tự các đình trong tỉnh duy trì thực hiện phục vụ người dân vào dịp lễ cúng đình

Không chỉ ở Đình Định Yên, ngày nay ở nhiều ngôi đình khác trong tỉnh cũng có những con người với tình yêu đặc biệt đối với đình làng, họ đã âm thầm từng ngày chăm sóc, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đình làng. Qua đó, tạo sự gắn kết giữa người dân với đình làng, để di tích đình làng sống mãi trong lòng người dân.

Bảo tồn, phát huy giá trị đình làng

Đình làng là hiện thân của những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và địa phương - nơi lưu giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của bao thế hệ người Việt. Toàn tỉnh hiện có 96 ngôi đình tọa lạc tại 11 huyện, thành phố (trừ huyện Tháp Mười). Trong đó, có 4 ngôi đình xếp hạng Di tích cấp Quốc gia, 23 ngôi đình xếp hạng Di tích cấp tỉnh, có 15 ngôi đình chưa được xếp hạng di tích và chưa có trong danh mục kiểm kê di tích.


Một buổi họp chuẩn bị lễ cúng Thượng Điền của Ban Tế tự Đình Định Yên (xã Định Yên, huyện Lấp Vò)

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đình làng, UBND tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án phát huy giá trị đình làng (giai đoạn 2020 - 2025). Đề án nhằm giữ gìn di sản kiến trúc, nghệ thuật độc đáo của dân tộc và phát huy tốt 3 chức năng chính của đình làng: tín ngưỡng dân gian, hành chính, sinh hoạt văn hóa để phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân trong tỉnh. Bên cạnh đó, kết nối các ngôi đình có giá trị tiêu biểu về kiến trúc - nghệ thuật, lịch sử đưa vào các tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện Đề án phát triển du lịch và Đề án tạo dựng hình ảnh của tỉnh.


Đông đảo người dân xem thổi kèn Tây tại lễ Kỳ yên Hạ điền của Đình Vĩnh Thới - Tân Hòa (xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung)

Thực hiện Đề án, tỉnh đang tiến hành chọn 11 ngôi đình tiêu biểu nhất trong 96 ngôi đình trên địa bàn tỉnh, là các ngôi đình được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia, Di tích cấp tỉnh và có nhiều hoạt động nổi bật, tổ chức các kỳ lễ hội thu hút đông đảo người dân tham dự để thí điểm hỗ trợ mỗi ngôi đình 1 dàn âm thanh gồm: loa, micro, amply, đàn guitar điện để tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ phục vụ người dân, nhất là vào các dịp lễ cúng đình; đồng thời tiến hành nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, tiến hành trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích từ ngân sách Trung ương, huyện, thành phố và nguồn vận động xã hội hóa. Tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về công tác quản lý, thực hành nghi lễ dân gian truyền thống cho cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, thành phố, công chức văn hóa - xã hội xã, phường, thị trấn, Ban Tế tự đình để thực hiện tốt các nghi lễ dân gian truyền thống tại địa phương.

Với sự gắn bó của người dân đối với đình làng và sự quan tâm đầu tư của chính quyền trong việc bảo tồn và phát huy giá trị đình làng, tin rằng đình làng sẽ trở thành một thiết chế văn hóa đặc biệt, sống mãi trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân trên địa bàn tỉnh.

Mỹ Xuyên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn