Lễ giỗ Thống Lãnh binh Nguyễn Văn Linh lần 153

Cập nhật ngày: 17/08/2018 10:19:44

Ngày 17/8, tại Đền thờ Tam vị Đại Thần (đường Ông Thợ, ấp 1, xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp), UBND xã Mỹ Tân, UBND TP.Cao Lãnh và họ tộc Thống Lãnh binh Nguyễn Văn Linh trang trọng tổ chức lễ giỗ Thống Lãnh binh Nguyễn Văn Linh lần thứ 153.


Đại biểu dâng hương tưởng niệm Thống Lãnh binh Nguyễn Văn Linh

Sau khi nghe lãnh đạo UBND xã Mỹ Tân đọc tiểu sử Thống Lãnh binh Nguyễn Văn Linh (1815-1865), lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, TP.Cao Lãnh, xã Mỹ Tân và đông đảo nhân dân dâng hương tưởng niệm Thống Lãnh binh Nguyễn Văn Linh.

Lễ giỗ nhằm phát huy truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.


Đại biểu dự lễ giỗ

Ông Nguyễn Văn Linh, quê ở thôn Mỹ Ngãi, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường (nay thuộc Phường 1, TP.Cao Lãnh). Ông được sinh ra trong một gia đình nông dân, lễ giáo.

Từ nhỏ, ông tỏ ra khí phách anh hùng, biểu hiện ở tính kiên cường, chánh trực, hay bênh vực kẻ yếu, thế cô. Năm 22 tuổi, ông lập gia đình. Tuy cuộc sống ấm êm nhưng không làm ông xao lãng việc trau dồi văn chương, võ nghệ, chờ cơ hội giúp dân giúp nước.

Nguyễn Văn Linh cùng các đầu mục khác hưởng ứng lời kêu gọi của Thiên Hộ Dương, hiến nhiều kế sách cho việc xây dựng, phát triển lưc lượng nghĩa quân. Nguyễn Văn Linh, ông Bình và ông Chiếu được giao thống lãnh một đạo nghĩa quân phụ trách vùng Cao Lãnh, nên trong quân cũng như ngoài dân thường gọi các ông là Thống Linh, Thống Bình, Thống Chiếu. Hoạt động của các ông làm cho giặc pháp trong vùng mất ăn mất ngủ, nhưng chúng không sao đàn áp nổi.

Một hôm trên đường lo việc quân cơ, tiện đường ghé thăm gia đình, địch bắt ba ông tại thôn Phong Mỹ, đem về chợ Ông Chánh (chợ Mỹ Ngãi ngày nay) giam giữ với thâm ý dung tình cảm gia đình để lung lạc lòng yêu nước của các ông nhưng không thành. Cuối cùng, chúng ra tay hành quyết ba ông tại chợ Mỹ Ngãi vào ngày 28/8/1865 (nhằm mùng 7 tháng 7 năm Ất sửu).

Để tưởng nhớ công lao và khí phách của những vị anh hùng vì nước hy sinh, dân làng lập miếu thờ ba ông. Để che mắt giặc, ngôi miếu được ngụy tạo dưới hình thức một ngôi chùa thờ Quan Thánh Đế Quân và nhân dân vẫn gọi là chùa Ba Ông.

Thành Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn