Phục vụ hiệu quả nhu cầu văn hóa, giải trí của người dân

Cập nhật ngày: 08/10/2020 05:37:09

Huyện Tháp Mười là một trong những địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, nâng cấp các Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh huyện, Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng (VH-HTCĐ) với đầy đủ các hạng mục đủ tiêu chuẩn phục vụ hiệu quả nhu cầu văn hóa, giải trí của người dân từ xã đến thị trấn.


Người dân xem biểu diễn văn nghệ trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện

Từ năm 2011 đến nay, được sự quan tâm hỗ trợ của UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND huyện đã quy hoạch, đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện trở thành nơi sinh hoạt tập trung với đa dạng các sự kiện lớn. Ngoài ra, huyện đã xây dựng mới 12/12 Trung tâm VH-HTCĐ xã và Trung tâm VH-HTCĐ thị trấn. Các Trung tâm VH-HTCĐ các xã, thị trấn xây dựng và đưa vào sử dụng đảm bảo yêu cầu về diện tích và các hạng mục công trình như: Hội trường đa năng vừa phục vụ hội nghị, biểu diễn nghệ thuật, đánh cầu lông, cờ tướng, cờ vua, họp, hội nghị của Đảng ủy, UBND xã, tổ chức tiếp xúc cử tri, tọa đàm, hội thảo... Ngoài ra, còn có các phòng chức năng như: thư viện, máy vi tính, truyền thanh, truyền thống, các sân tập luyện võ thuật, bóng chuyền, dưỡng sinh...

Tại các Trung tâm VH-HTCĐ các xã, thị trấn được Hội Khuyến học tỉnh phối hợp Thư viện Đồng Tháp hỗ trợ tủ sách khuyến học (trị giá 10 triệu đồng/tủ). Toàn huyện hiện có 57/59 nhà văn hóa ấp được xây mới phục vụ các hoạt động của Ban Nhân dân ấp và hội họp của Nhân dân ở địa phương. Các ấp còn lại đều có kết hợp với VH-HTCĐ xã và hội trường UBND các xã để phối hợp hoạt động. Toàn huyện có 48 Câu lạc bộ (CLB) gồm: đờn ca tài tử, hát với nhau, đội nhóm văn nghệ quần chúng, múa lân, aerobic, thể dục nhịp điệu; có 195 điểm kinh doanh dịch vụ Karaoke, nhạc sống... Huyện đã vận động được 1 Thư viện Container thiết kế trong trường Tiểu học do tư nhân đầu tư số tiền hơn 300 triệu đồng. Thư viện Container được trang bị, vận hành hiện đại với đa dạng các đầu sách đáp ứng nhu cầu học tập, đọc sách của học sinh nông thôn.

Tại xã Thanh Mỹ, UBND huyện và các ban, ngành đã hỗ trợ UBND xã từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân tại địa phương. Nhà văn hóa trung tâm xã đã được đầu tư xây dựng mới theo quy mô đạt chuẩn, có 3/4 ấp có nhà văn hóa - khu thể thao ấp hoạt động có hiệu quả (riêng ấp Hưng Lợi sinh hoạt chung với Trung tâm VH-HTCĐ xã). Các hoạt động văn hóa, thông tin phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hệ thống phát thanh đã phủ đều trên 4 ấp, tạo điều kiện cho người dân hưởng thụ văn hóa và nắm bắt thông tin kịp thời về chính sách pháp luật, khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh... Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có sự chuyển biến tích cực về số hộ, số ấp, công sở đạt chuẩn văn hóa ngày càng cao. Năm 2019, có 3.142/3.505 số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, chiếm 89,6%; năm 2020 ước đạt 90%. Có 4/4 ấp đạt chuẩn văn hóa, trong đó có 1 ấp đạt 8 năm liền, 3 ấp đạt 9 năm liền, xã đạt xã văn hóa 7 năm liền. Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao phát triển, xã có 1 CLB hát với nhau, có 2 CLB đờn ca tài tử, có một khu văn hóa gia đình, có 8 CLB thể thao, 3 sân bóng đá, 7 sân bóng chuyền hoạt động có hiệu quả. Các thiết chế văn hóa được củng cố và phát huy hiệu quả, quy ước ấp được sự đồng tình ủng hộ của người dân.

Với sự quan tâm của UBND huyện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai thực hiện toàn huyện. Qua đó, có 91,4% hộ đạt chuẩn danh hiệu Gia đình văn hóa; 100% các ấp đạt chuẩn Ấp văn hóa, có 4 khóm đạt Khóm văn minh đô thị và 1 thị trấn đạt Thị trấn văn minh đô thị. Mỗi năm, huyện bố trí kinh phí tu bổ, hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở đã bị xuống cấp, đầu tư các trang thiết bị cho các Trung tâm VH-HTCĐ, nhà văn hóa các ấp đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ; đổi mới các loại hình, hình thức, nội dung sinh hoạt trên các lĩnh vực đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, cập nhật thông tin, kiến thức của người dân, trong đó có các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức, duy trì và phát triển ổn định các hoạt động văn hóa, văn nghệ lành mạnh phục vụ người dân trong dịp lễ, Tết, các sự kiện chính trị quan trọng.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn