Siêu Thị Chiêu Linh - Một giọng thơ gân guốc mà mềm mại

Cập nhật ngày: 19/06/2020 17:01:53

Đọc thơ của Siêu Thị Chiêu Linh từ trên trăm bài để chọn 72 bài in thành tập thơ đầu tay cho chị, với tư cách là những người tổ chức bản thảo, tác giả những dòng này không thể không định danh một cách tự tin, dẫu có vẻ trái khoáy như trên. Ngay cái tên tập thơ - Em đâu chỉ nồng nàn - bước đầu cũng đã ít nhiều khơi gợi điều đó.

Siêu Thị Chiêu Linh (SN 1986) còn có bút danh khác là Linh Win (chủ yếu xuất hiện trên mạng xã hội) có thơ in báo từ năm 2011 và trở thành hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp từ năm 2013, hiện công tác tại Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Tháp. Chưa tới 10 năm góp mặt trong làng văn chương thì coi như vẫn là một cây bút trẻ. Dù trẻ người, trẻ nghề nhưng Siêu Thị Chiêu Linh đã chứng tỏ, mình là một cây bút thơ khá già dặn, có bản sắc. Siêu Thị Chiêu Linh đang là một trong những nữ sĩ triển vọng của miền thơ Đất Sen hồng.

Em đâu chỉ nồng nàn của Siêu Thị Chiêu Linh có bố cục hai phần: Em - những ngày thanh xuân cũ (30 bài) và Và em đâu chỉ nồng nàn (42 bài). Vì sao 2 phần này có số lượng tác phẩm không đều nhau, có lẽ, trước hết, do chính cái kho bản thảo của tác giả vốn thế, nhưng theo tôi, chủ yếu vẫn là từ ý tưởng sâu xa mà Siêu Thị Chiêu Linh muốn gửi gắm, rút ra, trên cơ sở những suy ngẫm của chính mình về cuộc đời.

Không thật rạch ròi nhưng người đọc sẽ nhận ra giọng điệu của hai phần có nét khác nhau, mà rõ nhất - theo tôi - chính là sự khác biệt giữa khí quyển hồn nhiên, trong trẻo của một thuở thanh xuân nồng nàn yêu đương, ngập tràn mộng mơ với những ngày sau đó, khi biết làm vợ, làm mẹ cùng biết bao trải nghiệm, chiêm nghiệm sâu sắc, thấm đẫm buồn vui nơi cõi thế.

Trong phần đầu, số bài viết về sự trắc trở, chia xa trong tình yêu (gọi theo cách gọi phổ thông là thất tình) chiếm số lượng không ít. Lạ, dù nói về điều đó với chất giọng chủ đạo nhuốm buồn, song thơ Siêu Thị Chiêu Linh không gợi lên không khí ảm đạm, ủy mị mà ngược lại, chất tươi trẻ, thanh xuân cứ ngời lên:

người đi người đi nhé

tôi cố ghìm tim đau

vứt đi ngày tháng cũ

giữ làm chi nát nhàu

Ngược lại, trong phần sau, rất ít bài nói về sự chia xa, mất mát, nhưng giọng thơ thì cứ trìu trĩu nỗi buồn thương day dứt:

khi lòng tin trong anh không còn đủ để thổi cao

những ngọn lửa đam mê

đã mệt nhoài vì những tháng ngày ruổi rong trong ảo tưởng

em vẫn còn nơi đó

đan niềm tin

đan nỗi chờ mong bằng những sợi chỉ màu

Ngoài một số bài viết về mẹ, quê hương và tự vấn - thế sự, thơ Siêu Thị Chiêu Linh chủ yếu viết về tình yêu đôi lứa (thuở son trẻ và khi đã lấy chồng). Riêng về mảng đề tài này, có thể nói, Siêu Thị Chiêu Linh là một giọng thơ đáng chú ý: biết làm mới, tạo nét riêng từ những mô - típ quen thuộc muôn thuở của tình yêu nhân loại. Cái mới, cái riêng đó của chị trước hết toát lên từ khả năng phối hợp nhuần nhị giữa các phẩm chất: mạnh mẽ và yếu mềm, giá băng và nồng nàn, khước từ và tha thứ... Nói thơ Siêu Thị Chiêu Linh gân guốc mà mềm mại cũng chính vì lẽ đó.

Dường như Siêu Thị Chiêu Linh không làm thơ lục bát, hay đúng hơn là chưa công bố một bài thơ lục bát nào. Ở tập bản thảo này cũng vậy. Hy hữu, ở một bài thơ (Chỉ có mẹ thôi), khi đọc phần đề tựa sau nhan đề bài thơ là một câu ca dao quen thuộc (Chiều mang sợi khói lên trời/Cho con nhớ mẹ rối bời tâm can), tôi ngỡ sẽ gặp ít nhất một nét lục bát của tác giả tại đây. Nhưng rồi, sau duy nhất dòng thơ đầu tiên là một câu lục khá chuẩn (thôi về thăm lại quê ta), Siêu Thị Chiêu Linh lại ngược trở về cái mạch thơ tự do ngồn ngồn của mình và bỏ qua dòng sông sáu tám một cách đầy dứt khoát...

Đây chắc chắn cũng là một khía cạnh làm nên bản sắc thơ Siêu Thị Chiêu Linh.

Siêu Thị Chiêu Linh rất thích dùng đề tựa (phần ghi thêm phía sau tên tác phẩm, không thuộc nội dung nhưng bổ trợ tối đa về ngữ nghĩa và cảm xúc cho tác phẩm) với 29/72 bài (hơn 40%). Có những dòng đề tựa chủ yếu chỉ nhằm tỏ bày tình cảm (ví dụ: Tặng tuổi thơ tôi hay Tặng quê mẹ hiền hòa). Nhưng cũng có những dòng đề tựa, lung linh khơi gợi về một phương diện ngữ nghĩa và cảm xúc nào đó, dẫn dắt người đọc tiếp cận, khám phá, cảm thấu bài thơ đúng hướng và sâu sắc hơn (ví dụ: Viết tặng tháng tư những ngày yêu cũ kỹ hay Em sẵn sàng chờ giông tố và luôn tự trấn an mình).

Và đây cũng là một nét riêng của thơ Siêu Thị Chiêu Linh.

THAI SẮC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn