Tăng cường lãnh đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội

Cập nhật ngày: 19/04/2021 09:05:12

http://baodongthap.com.vn/database/video/20210419090912lehoi.mp3

ĐTO - Đồng Tháp hiện có 117 lễ hội, trong đó có 3 lễ hội cấp tỉnh, 5 lễ hội cấp huyện và 109 lễ hội cấp xã. Các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh rất phong phú, đa dạng, phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong đó có nhiều lễ hội tổ chức quy mô lớn, thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan, cúng viếng.


Một tiết mục biểu diễn tại Lễ giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Ảnh TL)

Về điểm chung, hầu hết các lễ hội ở Đồng Tháp được tổ chức gắn với hoạt động văn hóa – văn nghệ, quảng bá du lịch, tuyên truyền về hình ảnh địa phương, nhiều lễ hội diễn ra sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng, với các hoạt động trưng bày, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực, góp phần giới thiệu, quảng bá về vùng, địa phương, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tạo sự gắn kết cộng đồng.

Các lễ hội truyền thống tại địa phương chủ yếu là cúng đình; phần lễ tổ chức theo nghi lễ truyền thống, thể hiện ở phần rước sắc thần; phần hội tổ chức các trò chơi dân gian kết hợp với tổ chức văn nghệ quần chúng, thu hút đông đảo khách thập phương đến cúng viếng, tham quan, trải nghiệm văn hóa tâm linh. Lễ hội tổ chức đúng quy định, trang nghiêm, hạn chế thấp nhất hiện tượng lợi dụng di tích, nơi thờ tự để trục lợi hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh để hoạt động mê tín, dị đoan; việc đặt thùng công đức tùy tiện hay rải, đốt vàng mã... dần được hạn chế; các hoạt động liên hoan văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hát múa, câu lạc bộ tài tử, văn nghệ quần chúng… cũng được tổ chức tạo thêm nét mới cho các lễ hội. Công tác đảm bảo về an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, kết hợp với quảng bá, giới thiệu giá trị di tích, hình ảnh của địa phương và thực hiện nếp sống văn minh được quan tâm trong hoạt động lễ hội.

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội hàng năm của các cơ quan chức năng được tăng cường, tập trung vào các nội dung nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách, các quy định hiện hành về tổ chức lễ hội, tuyên truyền về nguồn gốc, giá trị nội dung và ý nghĩa giáo dục của lễ hội di tích, vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo của Nhân dân được phát huy, từ đó trên địa bàn tỉnh không còn các lễ hội phản cảm, bạo lực gây bức xúc dư luận xã hội.

Tuy nhiên, việc quản lý và tổ chức lễ hội cũng còn những hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền chưa tập trung cho việc chỉ đạo việc thực hiện nên hiệu quả thấp. Công tác tuyên truyền, phổ biến chưa sâu rộng, thường xuyên. Việc thực hành lễ nghi ở các cơ sở tín ngưỡng hiện chủ yếu chỉ có các vị cao niên, người trẻ tuổi ở địa phương ít có điều kiện tham dự, khả năng thiếu nguồn kế thừa. Một số ban tổ chức lễ hội địa phương (cấp xã) hoạt động chưa hiệu quả, kế hoạch tổ chức lễ hội chưa tuân thủ đúng quy định, dẫn đến kết quả lễ hội chưa thật sự tạo được ấn tượng đẹp cho khách hành hương. Vài lễ hội tổ chức còn nặng hình thức, chưa chú trọng đến việc khai thác, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của lễ hội; các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống dịp lễ hội còn thiếu sự đầu tư và đổi mới; kết cấu hạ tầng, dịch vụ nhiều nơi tổ chức lễ hội chưa đáp ứng yêu cầu.

Những hạn chế trên là do một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội. Hoạt động tuyên truyền chưa thường xuyên trong cộng đồng. Công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động lễ hội chưa theo kịp tình hình thực tiễn, việc thực thi các văn bản quy định về quản lý và tổ chức lễ hội có lúc chưa chặt chẽ. Công tác xã hội hóa chưa thu hút được nguồn lực đáng kể để đầu tư trên lĩnh vực văn hóa nói chung và tổ chức lễ hội nói riêng. Một bộ phận Nhân dân còn cường điệu thần quyền, huyễn hoặc sự linh hiển đối với việc cầu lộc, cầu tài...

Qua đó, có thể thấy việc quản lý và tổ chức lễ hội cần phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong tổ chức đảng và toàn xã hội về thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội. Phát huy vai trò chủ động tham mưu, tích cực, năng động sáng tạo của đội ngũ làm công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh xã hội hóa, tranh thủ các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để đầu tư xây dựng các thiết chế văn háa cơ sở, các di tích văn hóa đặc biệt… Ưu tiên đầu tư nguồn lực cho việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế với phát huy bản sắc văn hóa của địa phương.

Thời gian tới, cần phát huy thế mạnh và hiệu quả hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc qua các lễ hội, gắn thực hiện các nhiệm vụ, đề án trọng tâm của tỉnh về phát triển du lịch, tạo dựng hình ảnh địa phương. Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho chủ thể văn hóa và công chúng tham gia về việc bảo vệ, phát huy các giá trị tốt đẹp của lễ hội truyền thống và việc thực hiện nếp sống văn minh khi thực hành và tham gia lễ hội gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp. Từng bước nghiên cứu, kế thừa, xây dựng mới các nội dung, hình thức tổ chức hoạt động văn hóa, lễ hội tiến bộ, phù hợp với từng địa phương, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Mỗi địa phương, đơn vị xây dựng mô hình điểm thực hiện nếp ứng xử văn minh trong tham gia lễ hội, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, trong xã hội; khắc phục kịp thời những hạn chế và xử lý những sai phạm; biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả cao.

Lễ hội là sinh hoạt văn hóa dân gian góp phần quan trọng trong công cuộc bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Giữ được bản chất đích thực của lễ hội truyền thống tức là giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc không bị hòa nhập, hòa tan trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập văn hóa, kinh tế thế giới.

Thông qua lễ hội, các giá trị truyền thống của làng quê như ý thức về cội nguồn, tổ tiên dân tộc, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc,...; ý thức về đồng loại, cố kết con người trong cộng đồng, ý thức giữ gìn nét đẹp thuần phong mỹ tục của cộng đồng được gia tăng, củng cố. Con người trong thời điểm diễn ra lễ hội dường như hòa đồng, xích tại gần nhau hơn, giao lưu cởi mở chân thành hơn. Lễ hội cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, là sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo thu hút du khách gần xa. Muốn đạt được các yếu tố đó, việc tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác tổ chức, quản lý lễ hội là rất quan trọng và cần thiết.

ĐỒNG DAO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn