Tản văn

Miền hoa không mùa

Cập nhật ngày: 25/07/2017 07:00:02

Tôi về thăm miền đất ấy vào những ngày cuối Hạ. Cung đường từ Quảng Bình ngược vào Quảng Trị đầy nắng. Biển, phi lao và cát trắng kể tôi nghe những câu chuyện mới mẻ, níu kéo lòng người. Những câu chuyện của thiên nhiên, con người trong hiện tại và cả những câu chuyện của thời hoa đỏ năm xưa.

Giữa ngọ, Vũng Chùa - Đảo Yến nắng thắp lửa từ thinh không. Dòng người từ khắp mọi nơi tìm về. Những bước chân nối tiếp nhau lên triền dốc. Quanh tôi, thật nhiều bạn trẻ và không ít cô, chú cao niên trong màu quân phục bộ đội. Cảm giác khi về miền đất này các thế hệ người Việt đều chung nhau những suy nghĩ ngọt ngào. Biết bao người đã từng “nước mắt rơi chung” những ngày tiễn đưa vị Đại tướng kính yêu của dân tộc. Cũng từ đó, khơi dậy những điều tốt đẹp trong từng khối óc, con tim. Và, cả sự thôi thúc một lần được đến đây, để thắp nén nhang trước mộ bác Võ Nguyên Giáp. Những bước chân qua, những mái đầu cúi lặng tôn kính. Trầm hương loang đầy triền thông. Phía xa, Đảo Yến xanh mờ giữa thiên thanh và nước biếc. Trên lối rẽ quốc lộ 1A, hai bên đường gặp rất nhiều điểm bán hoa cúc. Những cành cúc đại đóa trốn nắng trong những mái lều dựng tạm chông chênh. Hoa vải kết tràng vàng khắp vệ đường. Những em bé, những người phụ nữ, những cụ bà lưng còng vẫy chào từng lượt xe qua giữa con nắng gay gắt. Người đến chốc lát rồi tản về muôn nẻo, còn ai giữ trong lòng những trăn trở về miền phi lao nắng gió này?...

Tôi đến viếng nghĩa trang Trường Sơn và nghĩa trang Đường 9 vào những ngày cuối tháng bảy. Trên lối vào, phượng vẫn còn sót những vòm hoa tiễn Hạ. Hồi chuông ai đó vừa gióng lên, loang đầy ban trưa tĩnh lặng, thiêng linh. Những tràng hoa vẫn còn tươi sắc bên đài tưởng niệm và những khu mộ. Đoàn chúng tôi không ai bảo ai, chia nhau đi về bốn phía để thắp hương lên những vòm mộ liệt sĩ. Thời gian chúng tôi dừng lại đây quá ngắn. Hàng chục ngàn vòm mộ chưa thể cùng lúc thắp lên lòng tri ân trong một cuộc về. Ở nghĩa trang Trường Sơn, liệt sỹ đa phần tuổi đời còn rất trẻ. Câu chuyện những người quản trang trồng nhiều phượng vĩ trên đồi Bến Tắt mà tôi được nghe trở nên cảm động vô cùng. Vậy là mỗi năm hương hồn liệt sỹ lại rực cháy khát vọng hòa bình cùng mùa phượng vĩ thắp lửa trên đồi. Khát vọng ấy mãi mãi thanh xuân dưới những vòm cây xanh thẫm màu lá Trường Sơn.

Ở nghĩa trang Đường 9, trên ngọn đồi cao đầy nắng gió, gần mười nghìn mộ liệt sỹ thì đã có hơn bốn nghìn mộ liệt sỹ vô danh. Một đặc trưng riêng đầy ám ảnh và day dứt lòng người của nghĩa trang này là những ngôi mộ tập thể. Ở đó, có những phần mộ của hàng chục, hàng trăm liệt sỹ hy sinh cùng lúc. Nỗi đau mất mát cho cuộc hành trình giải phóng dân tộc vẫn còn âm ỉ mãi về sau. Tôi ngồi bên một vòm mộ vô danh, hoa nắng lung linh soi một bông hoa chăm pa vừa rụng xuống. Hoa mãn khai, sắc trắng tinh khôi và chút hương dịu nhẹ thoảng đưa trong gió đồi. Cuộc trở về với đất của bông hoa thật nhẹ nhàng, thanh khiết. Hoa mở lòng tôi, thật khẽ...

Bạn Quảng Trị mong tôi ra thăm mấy bận mà cứ hoài lỗi hẹn. Hôm tôi ghé thăm thành cổ, những câu chuyện từng nghe bạn kể bỗng chốc hiển hiện mãnh liệt đến nao lòng. Xung quanh tôi, những giọt nước mắt lăn chảy theo hình ảnh của phim tư liệu lịch sử và lời cô thuyết minh trong khu di tích thành cổ. Trong cuộc chiến tám mươi mốt ngày đêm hòng chiếm lại thành cổ Quảng Trị, Mỹ đã ném xuống đây 328 ngàn tấn bom, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử đã ném xuống Hirosima. Gần ba tháng ròng, giữa mùa hè đạn bom khốc liệt năm 1972, đã có hàng ngàn chiến sĩ hy sinh, mãi mãi không tìm được hài cốt. Ngày nay, tại trung tâm di tích xây dựng đài tưởng niệm với hình nấm mộ tập thể cho hàng ngàn liệt sỹ. Câu chuyện về tình yêu đôi lứa, ân nghĩa gia đình và tình yêu Tổ quốc thời chiến tranh loạn lạc được nghe trên mảnh đất lịch sử này gọi thức trong tôi biết bao điều. Vẫn là những câu chuyện nhân sinh đầy cao cả về đức tính hy sinh của thế hệ cha anh đi trước.

Tôi đã từng đọc say mê “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi 20”, từng xúc động lặng người với những câu thơ của nhà báo Lê Bá Dương. Chiều muộn trên bến thả hoa sông Thạch Hãn, một lần nữa tôi bồi hồi đọc lại những vần thơ được khắc trang trọng trên bia đá.

Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm

Chuyến về nguồn trên dải đất miền Trung đọng lại trong tôi biết bao điều. Mỗi lần nghĩ về miền đất ấy, lòng tôi như bừng nở những đóa hoa tri ân – những đóa hoa không đợi mùa trong lòng con dân nước Việt...

Nguyễn Phạm Đình Thảo

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn