Báo động tình trạng trẻ em đuối nước

Cập nhật ngày: 30/03/2021 15:02:08

ĐTO - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em (TE). Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 5 vụ tai nạn đuối nước khiến 6 trẻ tử vong (tăng 4 trường hợp tử vong so với cùng kỳ năm 2020). Đáng nói hơn, 4/5 vụ tai nạn đuối nước chỉ xảy ra trong thời gian 9 ngày (từ ngày 11 - 20/3) cướp đi sinh mạng của 5 đứa trẻ.

Gần đây nhất là vụ đuối nước xảy ra vào ngày 20/3/2021, tại ấp Bình Định, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình khiến cháu bé 8 tuổi tử vong. Theo lời kể của gia đình, cháu T.T.N. (sinh năm 2013) sống cùng với mẹ sau khi ba mẹ ly hôn. Do cuộc sống khó khăn nên mẹ của N. phải đi làm công nhân tại một công ty trên địa bàn xã, cháu ở nhà 1 mình. Chị T.T.H. – mẹ cháu N. kể trong nước mắt: “Cũng như mọi ngày, sáng sớm, tôi thức dậy đi làm. Trước khi đi tôi có dặn cháu ở nhà đi học về thì ăn cơm, ở nhà cẩn thận và không được đi chơi xa. Ai ngờ, ở nhà cháu đi tắm sông cùng với 2 đứa trẻ cùng xóm và xảy ra sự việc đau lòng...”.


Tăng cường phổ cập bơi cho trẻ em để hạn chế tình trạng đuối nước

Trước đó, ngày 17/3/2021, vụ tai nạn đuối nước tại ấp Long Phú A, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông cũng khiến 2 trẻ tử vong cùng lúc. Nạn nhân là bé N.T.K. và L.T.N.H. (cùng sinh năm 2013). Buổi trưa ngày xảy ra vụ việc, 2 bé rủ nhau xuống bờ kênh Đồng Tiến trước nhà để mò hến và bị đuối nước tử vong vì không biết bơi. Được biết, ba mẹ của hai cháu đi làm thuê ở Bình Dương đã để trẻ ở lại cho bà nội chăm sóc. Do trẻ hiếu động, bà nội đã lớn tuổi không quản lý được nên xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Theo Sở LĐ-TB&XH, trong những năm qua, các ngành, các cấp đã triển khai nhiều giải pháp, ký kết kế hoạch liên ngành phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, cảnh báo nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, gia đình về phòng tránh đuối nước ở TE. Tổ chức dạy bơi và các lớp tập huấn kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho TE; xây dựng cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích TE; đẩy mạnh các hoạt động thông qua mô hình “Ngôi nhà an toàn cho TE”, “Trường học an toàn, nhà trẻ mẫu giáo an toàn”... Tuy nhiên, tình trạng TE tử vong do đuối nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao. Theo thống kê của ngành LĐ-TB&XH, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 147 TE tử vong do đuối nước. Riêng 3 tháng đầu năm 2021 đã ghi nhận 5 vụ tai nạn đuối nước, khiến 6 trẻ tử vong.

Bà Lê Thị Phiến – Trưởng phòng TE và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, qua thực trạng về vấn đề đuối nước TE có thể thấy, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tai nạn vẫn là sự chủ quan, lơ là của gia đình, người trực tiếp trông giữ trẻ. Nhiều gia đình nghèo, khó khăn, cha mẹ phải lo cuộc sống mưu sinh, để TE cho ông bà già yếu trông giữ, ít dành thời gian quan tâm đến con; một số gia đình thu nhập hạn chế nên không có điều kiện gửi con vào điểm giữ trẻ và cơ sở giáo dục mầm non. Ở nông thôn, điều kiện cơ sở vật chất dạy bơi an toàn cho TE chưa đáp ứng được nhu cầu số lượng TE trên từng địa bàn dân cư... Do vậy, để kéo giảm tai nạn đuối nước ở TE, điều cấp thiết và quan trọng nhất chính là nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả đồng động trong việc bảo vệ an toàn cho trẻ trước các nguy cơ, hiểm họa. Để thực hiện được điều này, ngoài nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền thì từng thành viên trong gia đình, người trực tiếp chính là cha, mẹ của TE cũng cần nêu cao nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ trước các mối nguy cơ. Một trong những nhân tố quan trọng để hạn chế tai nạn đuối nước chính là các gia đình phải tạo môi trường an toàn cho trẻ.

“Ngành LĐ – TB&XH khuyến cáo mọi gia đình có TE cần quan tâm bảo vệ trẻ mọi lúc mọi nơi, xem đuối nước TE là mối hiểm họa, cần có hành động đúng đắn. Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi cần gửi các em vào điểm giữ trẻ, cơ sở giáo dục mầm non hoặc ở gia đình thì phải trông giữ chặt chẽ. Đối với trẻ lớn, cần dạy cho các con biết bơi, biết các kỹ năng tiếp xúc môi trường nước. Gia đình cần cải tạo ngay các yếu tố nguy cơ cao gây đuối nước TE như: dụng cụ chứa nước trong nhà phải có nắp đậy chắc chắn; có rào chắn ao hồ, kênh, mương xung quanh nhà... Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tăng cường chỉ đạo, thường xuyên tuyên truyền, duy trì các mô hình hay, hiệu quả và có những biện pháp can thiệp cụ thể tại cộng đồng để phòng ngừa tai nạn đuối nước TE...” – bà Lê Thị Phiến nhấn mạnh.

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền, các ban, ngành đoàn thể, nhà trường và gia đình trong việc phòng ngừa tai nạn, thương tích TE, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp các sở, ngành đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích TE tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2030. Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho TE của người dân và bản thân TE thông qua các hoạt động truyền thông giáo dục; xây dựng môi trường sống an toàn tại gia đình, trường học và cộng đồng nhằm đảm bảo an toàn cho TE, giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ TE tử vong do tai nạn thương tích đặc biệt là đuối nước và tai nạn giao thông đường bộ...

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn