Phát triển các Tổ Nhân dân tự quản

Cập nhật ngày: 11/08/2018 06:24:24

ĐTO - Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) là tổ chức tự nguyện của nhân dân, là nơi “sát dân, sát việc” nhất trong hệ thống chính trị hiện nay; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và tính tự chủ, tự quản trong cộng đồng dân cư. Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, hơn 1 năm qua, mô hình Tổ NDTQ được tiến hành nhân rộng ra toàn tỉnh.


Ông Võ Hữu Hiền (thứ 2, từ trái sang) chia sẻ kinh nghiệm trồng xoài

Tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết

Đoạn đường đan trước nhà những hộ dân thuộc Tổ NDTQ số 2B, ấp Tịnh Đông, xã Tịnh Thới (TP.Cao Lãnh) trông khá sạch đẹp. Nhiều ngôi nhà ven đường có hàng rào, cổng ngõ, trồng cây xanh. “Để tạo vẻ mỹ quan cho địa phương, chúng tôi thường họp Tổ NDTQ để vận động bà con giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định. Các hộ trong tổ còn được tuyên truyền để nâng cao tinh thần cảnh giác với các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự; nhắc nhở bà con treo cờ Tổ quốc vào những ngày lễ lớn của đất nước... Thông qua các cuộc họp tổ, người dân có dịp gặp gỡ, trò chuyện nên tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết” - ông Nguyễn Văn Lê (SN 1958) - Tổ trưởng Tổ NDTQ số 2B cho biết.

Tổ NDTQ còn góp phần làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức và tập quán sản xuất, làm ăn nhỏ lẻ của người dân, thúc đẩy truyền thống “Tương thân, tương ái”, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, đời sống. Ông Võ Hữu Hiền (SN 1956) - thành viên Tổ NDTQ số 23, ấp Mỹ Hưng Hòa, xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) cho hay: “Tổ sinh hoạt hàng tháng. Tại đây, ngoài việc được tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và tình hình an ninh trật tự, môi trường..., chúng tôi còn chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, kỹ thuật trồng xoài, xử lý cho xoài ra trái nghịch mùa. Một số thành viên trong tổ tham gia hùn vốn xoay vòng (mỗi người góp 200 ngàn đồng/tháng), giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”.

Ban quản lý các Tổ NDTQ thực hiện một số nội dung như: triển khai lịch xuống giống; vận động thành viên tổ chuyển đổi giống lúa chất lượng cao, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng nông thôn mới... Trọng tâm là 2 nhiệm vụ về an ninh trật tự và khuyến học, khuyến tài. Tổ NDTQ trở thành “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) với nhân dân tại cơ sở; tác động tích cực đến việc xây dựng tình làng nghĩa xóm. Người dân ứng xử với nhau thân thiện, hòa nhã, quan tâm giúp đỡ nhau, cùng nhau giữ gìn ổn định trật tự xã hội, giải quyết tốt các vấn đề đời sống xã hội; góp phần tích cực cùng với Đảng, chính quyền thực hiện những tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Đã thành lập hơn 12.550 Tổ Nhân dân tự quản

Với những hiệu quả mang lại, ngày 1/3/2017 BTV Tỉnh ủy có Thông báo kết luận số 451-TB/TU về việc nhân rộng mô hình Tổ NDTQ. Cách thức tiến hành nhân rộng mô hình Tổ NDTQ được thực hiện khá bài bản. Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện hướng dẫn Ủy ban MTTQ cấp xã phối hợp UBND, Công an, các ngành cùng cấp, chi bộ và Ban công tác Mặt trận ấp, khóm tiến hành khảo sát và lập danh sách các hộ dân trên địa bàn; rà soát những mô hình của các tổ chức khác mang tính chất tương tự Tổ NDTQ đang tồn tại nhằm tránh trùng lắp, chồng chéo. Tổ NDTQ thành lập phải phù hợp với tình hình thực tế đời sống dân cư và mỗi tổ có từ 30 - 40 hộ, cùng sống liền kề nhau. Những nơi địa bàn dân cư có địa hình địa lý đặc biệt thì số lượng thành viên trong tổ có thể trên 40 hộ nhưng phải đảm hoạt động hiệu quả.

Căn cứ kết quả khảo sát thực tế tại địa bàn dân cư, có sự thống nhất với Chi ủy Chi bộ, Ban Nhân dân, Ban công tác Mặt trận ấp, khóm và UBND cấp xã, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã lập danh sách, phân chia phạm vi và số lượng hộ hợp lý theo từng khu vực và thực hiện quy trình thành lập Tổ NDTQ. Trên cơ sở đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã, UBND cấp xã ban hành quyết định thành lập Tổ NDTQ. Sau đó, Ban công tác Mặt trận chủ trì tổ chức hội nghị nhân dân ra mắt Tổ NDTQ và hiệp thương thỏa thuận giới thiệu Tổ trưởng, Tổ phó, Thư ký.

Theo đồng chí Đặng Thị Mỹ Cẩm - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, chủ trương nhân rộng mô hình Tổ NDTQ của BTV Tỉnh ủy hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với cộng đồng dân cư, nhằm nâng cao vai trò, tính tích cực, khơi dậy sức dân, chung tay xây dựng khu dân cư hoàn thiện về mọi mặt. Hướng tới việc phát huy vai trò tích cực, tự giác của nhân dân trong hưởng ứng thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương.

Qua khảo sát, sắp xếp, trên địa bàn tỉnh có 12.676 Tổ NDTQ cần thành lập. Đến tháng 6/2018, tổng số Tổ NDTQ đã thành lập trên địa bàn tỉnh là 12.555 tổ (đạt 99,04%) với 422.717 hộ thành viên; có 37.665 người tham gia làm Tổ trưởng, Tổ phó, Thư ký. Quy mô tổ đông nhất là 150 hộ, tổ ít nhất là 6 hộ tham gia. Toàn tỉnh có 10/12 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành việc nhân rộng mô hình Tổ NDTQ. Còn huyện Châu Thành và TP.Cao Lãnh đang tiếp tục tổ chức thành lập các Tổ NDTQ.

NHỰT AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn