Chương trình khuyến công hỗ trợ công nghiệp nông thôn phát triển

Cập nhật ngày: 26/05/2021 13:37:50

ĐTO - Xem phát triển công nghiệp nông thôn là một trong những “đòn bẩy” quan trọng giúp nền kinh tế địa phương chuyển dịch mạnh mẽ, thời gian qua, Đồng Tháp luôn quan tâm và dành nhiều chính sách hỗ trợ để ngành công nghiệp nông thôn phát triển. Với chương trình hỗ trợ thiết thực, kịp thời góp phần giúp cho các cơ sở, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ tại địa phương phát triển và mở rộng thị trường.


Bộ máy sấy cá khô và khô trâu bằng năng lượng mặt trời tại Cơ sở sản xuất khô cá đồng Phan Chao (Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cung cấp)

Một trong những “điểm nghẽn” của các cơ sở sản xuất kinh doanh ở nông thôn là nguồn lực tài chính để đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất còn hạn chế. Do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, trang thiết bị lạc hậu nên phần lớn các sản phẩm công nghiệp nông thôn khó tạo được lợi thế cạnh tranh và mở rộng thị trường. Hiểu rõ những khó khăn của các cơ sở và DN tại nông thôn, thời gian qua, Đồng Tháp dành nhiều chương trình hỗ trợ các cơ sở, DN ở nông thôn từng bước phát triển sản xuất chuyên nghiệp. Trong đó, nổi bật là chương trình khuyến công, một chương trình “tiếp sức” thiết thực được nhiều cơ sở DN vừa và nhỏ tại vùng nông thôn đánh giá cao.

Một trong những cơ sở nhận được sự “tiếp sức” từ chương trình khuyến công trong năm 2020 là Cơ sở sản xuất khô cá đồng Phan Chao (ấp 5, xã Hòa Bình, huyện Tam Nông). Bắt đầu khởi nghiệp với các sản phẩm khô cá đồng từ năm 2019, tuy nhiên do hạn chế về máy móc, thiết bị hiện đại nên công việc sản xuất của cơ sở chủ yếu thực hiện bằng phương thức thủ công. Do đó, sản lượng thấp không đủ cung cấp cho nhu cầu của người tiêu dùng, trong khi thị trường đối với sản phẩm khô cá đồng là rất lớn.

Để giúp Cơ sở sản xuất khô cá đồng Phan Chao khắc phục khó khăn trong sản xuất và từng bước phát triển thị trường, năm 2020, từ nguồn kinh phí khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) Đồng Tháp hỗ trợ cơ sở đầu tư bộ máy sấy năng lượng mặt trời với tổng vốn đầu tư của dự án gần 585 triệu đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ khuyến công là 286 triệu đồng, kinh phí còn lại do cơ sở đối ứng.

Theo Trung tâm KC&TVPTCN Đồng Tháp, sau khi đầu tư bộ máy sấy năng lượng mặt trời thay thế khâu phơi nắng truyền thống góp phần giúp cho cơ sở nâng cao năng suất sản xuất lên gấp nhiều lần. Cụ thể, đối với sản phẩm khô cá tăng từ 10.800kg/năm lên 32.400kg/năm. Đối với sản phẩm khô trâu tăng từ 3.600kg/năm lên 7.200kg/năm.

Chia sẻ về những thay đổi sau khi được hỗ trợ trang thiết bị hiện đại phục vụ cho sản xuất, anh Phan Văn Chao - chủ Cơ sở sản xuất khô cá đồng Phan Chao phấn khởi nói: “Việc ứng dụng phương pháp sấy năng lượng mặt trời thay thế phương pháp phơi nắng truyền thống góp phần giúp cho cơ sở giải quyết được nhiều “điểm nghẽn”. Nhờ hệ thống sấy khép kín nên cơ sở thuận lợi hơn trong việc quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, do không phụ thuộc vào thời tiết nên cá khô có thể sản xuất trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào nhưng chất lượng vẫn đảm bảo. Đây là điểm cộng quan trọng mà cách làm truyền thống trước đây không thực hiện được”.

Nhờ hệ thống sấy chuyên nghiệp nên chất lượng sản phẩm khô của Cơ sở sản xuất khô cá đồng Phan Chao từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc thị trường. Đặc biệt, nhiều mặt hàng cá khô của cơ sở như khô cá lòng tong ôm tiêu sọ, khô cá lóc đồng nguyên con, khô trâu, khô cá sặc rằn được một DN ở TP.HCM kết nối tiêu thụ.

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn