Giai đoạn 2021 - 2025 có 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới

Cập nhật ngày: 24/05/2021 16:31:48

ĐTO - Tiếp nối những kết quả đạt được, công tác triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 – 2020 luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều xã diện phấn đấu đạt chuẩn NTM, một số huyện có 100% xã đạt chuẩn NTM.


Người dân áp dụng cơ giới hóa vào quy trình sản xuất lúa

Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 76/115 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, UBND tỉnh vừa Quyết định công nhận 22 xã đạt chuẩn NTM năm 2020, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra giai đoạn 2016 – 2020. Đối với đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM/đạt chuẩn huyện NTM có 4 địa phương là TP.Sa Đéc, TP.Cao Lãnh, TP.Hồng Ngự và huyện Tháp Mười. Đến cuối năm 2020, huyện Cao Lãnh và Châu Thành đạt 100% số xã đạt chuẩn NTM. Riêng huyện Cao Lãnh đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020.

Phát huy thế mạnh sản phẩm nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có 161 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao. Đặc biệt, có 3 sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn đạt hạng 3 sao và 4 sản phẩm OCOP tiềm năng để đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia xem xét công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao.

Thời gian qua, việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn được tỉnh quan tâm đẩy mạnh và đạt được một số kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 giảm còn 1,28%, vượt chỉ tiêu kế hoạch; 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, có 115/115 xã đạt tiêu chí về quy hoạch, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, lao động có việc làm, giáo dục và đào tạo, văn hóa, quốc phòng và an ninh. Các địa phương tập trung hỗ trợ thành lập, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, giải thể các hợp tác xã yếu kém. Toàn tỉnh có 114 xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh huy động gần 35.300 tỷ đồng để thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp chương trình trên 2.227 tỷ đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp là trên 902 tỷ đồng; huy động từ cộng đồng dân cư và vốn khác là trên 1.076 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2016-2020 còn một số hạn chế, khó khăn. Hoạt động thông tin tuyên truyền ở một số địa phương còn thiếu tính sáng tạo, chưa thu hút nhiều sự quan tâm, nhiệt tình hưởng ứng của người dân. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế nên hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn còn yếu. Một số địa phương được công nhận đạt chuẩn NTM còn chủ quan, thiếu kiểm tra giám sát việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí; nhận thức về bảo vệ môi trường của một số bộ phận cộng đồng dân cư vẫn còn hạn chế, nhất là các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Trước những thuận lợi khó khăn trên, tỉnh đề ra kế hoạch Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, kế hoạch đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như: có 90% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 30% xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đồng thời có thêm 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM, phấn đấu đến năm 2025, huyện Tháp Mười đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.

Đối với chỉ tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, kế hoạch đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn đạt 1,6 lần (tương đương 72,96 triệu đồng). Đối với tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 là dưới 3%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế là 95%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch là 98%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 79%. Bên cạnh đó duy trì, nâng chất, đồng thời phát huy có hiệu quả các tiêu chí đối với các xã được công nhận NTM trong giai đoạn 2011 - 2020.

Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là trên 8.032 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách địa phương các cấp và huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện chương trình để đối ứng với ngân sách Trung ương hỗ trợ. Đồng thời phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia xây dưng NTM đảm bảo theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn