Tiếp tục phát huy thế mạnh trong phát triển ngành công nghiệp tỉnh nhà

Cập nhật ngày: 03/12/2020 07:47:02

ĐTO - Ngày 2/12, tại TP.Cao Lãnh, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp (TCCCN) tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Tổng kết Đề án an toàn điện 2017-2020 và trao giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2020. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa chủ trì hội nghị. Tham dự chương trình có đại diện các sở, ngành, địa phương, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.


Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2020 trưng bày tại hội nghị

Kết quả thực hiện Đề án TCCCN, về chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, phân ngành, theo Sở Công Thương, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng bình quân 8,21%/ năm, ước đến năm 2020 đạt 11.125 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất các mặt hàng công nghiệp chủ lực của tỉnh có những chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020 ước tăng bình quân 7,39%/năm, ước đến năm 2020 đạt 68.005 tỷ đồng.

Hoạt động xuất khẩu của tỉnh đạt được những kết quả ấn tượng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016- 2020 đạt 9,51%/năm. Hiện nay, các sản phẩm hàng hóa của tỉnh đã có mặt trên 150 quốc gia. Hoạt động nhập khẩu hàng hóa của tỉnh chủ yếu là nhập khẩu các nguyên vật liệu dùng cho sản xuất kinh doanh. Kim ngạch nhập khẩu năm 2020 ước đạt 432 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 2,12%/năm.

Về phát triển công nghiệp theo các khu vực lợi thế của tỉnh. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Na – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hệ thống hạ tầng giao thông quan trọng được hình thành đã thu hút nhiều dự án đầu tư vào khu cụm công nghiệp của tỉnh với ngành nghề đa dạng. Lãnh đạo Sở Công Thương cũng thông tin kết quả về phát triển hạ tầng công nghiệp theo hướng tập trung hiệu quả, bền vững... Riêng về củng cố năng lực sản xuất kinh doanh và phát triển nguồn lực doanh nghiệp, đã triển khai thực hiện 109 Đề án khuyến công địa phương về hỗ trợ mô hình trình diễn, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, với kinh phí hỗ trợ 20,4 tỷ đồng; thực hiện 9 Đề án khuyến công quốc gia với kinh phí hỗ trợ 2,35 tỷ đồng.

Đối với Đề án an toàn điện giai đoạn 2017 – 2020, báo cáo ngành công thương cho thấy, hiệu quả rõ nhất là công tác đầu tư cải tạo, phát triển lưới điện được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, góp phần giảm tổn thất điện năng, giảm sự cố về điện và tai nạn điện; người dân được hưởng giá bán điện trực tiếp từ ngành điện. Đến nay, đã có 117/117 xã đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn, đạt 100%. Trong đó, có 78/ 117 xã được thẩm định, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. So với mục tiêu của Đề án (đến năm 2020 có 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 4 về điện nông thôn), cơ bản đạt mục tiêu đề ra.

Hội nghị cũng là dịp đánh giá kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực hiện Đề án TCCCN, Đề án an toàn điện. Từ đó, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Chương trình hội nghị nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, kiến nghị liên quan đến giải phóng mặt bằng còn chậm và kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp; khó khăn của các doanh nghiệp cơ khí tỉnh nhà trong nỗ lực nghiên cứu quy trình sản xuất để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài; giải pháp để doanh nghiệp cơ khí tỉnh nhà hướng đến hợp tác chặt chẽ với nông dân trong sản xuất để cùng tháo gỡ khó khăn, phát triển... Ngoài ra, các nội dung liên quan đến việc xây dựng ý thức người dân trong sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; công tác phát triển điện năng lượng mặt trời và vấn đề giảm phát thải nhà kính cũng được đại biểu tham dự đặc biệt quan tâm.


Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao những kết quả đạt được của hai đề án. Theo Phó Chủ tịch, tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương, định hướng của tỉnh đối với phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong thời gian tới là ưu tiên cho phát triển các cụm công nghiệp, khu công nghiệp đi theo hướng ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp sạch và công nghiệp công nghệ cao. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, bên cạnh phát triển công nghiệp, tỉnh sẽ đặc biệt quan tâm đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, đặt vấn đề an ninh nguồn nước lên hàng đầu... Về lợi thế phát triển năng lượng mặt trời của tỉnh nhà, Đồng Tháp sẽ phát triển, quy hoạch khai thác triệt để nguồn năng lượng này song song chú trọng bảo vệ môi trường, kết hợp phát triển lâm nghiệp... Đối với Đề án an toàn điện, Phó Chủ tịch đề nghị Sở Công Thương hoàn thiện, xây dựng lại chương trình, kế hoạch trên tinh thần đáp ứng được nhu cầu nguồn điện sản xuất, sinh hoạt để phát triển kinh tế xã hội nhưng phải đảm bảo an toàn điện. Về công tác khuyến công, từ sự hỗ trợ của chương trình này, Phó Chủ tịch đề nghị các doanh nghiệp hướng về tập trung phát triển những thế mạnh, cùng liên kết, đồng tâm hợp lực để cùng nhau tiến xa hơn.


Ban tổ chức trao Giấy chứng nhận, kỷ niệm chương cho doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2020

Dịp này, Ban tổ chức cũng đã tổng kết hoạt động Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp; báo cáo kết quả bình chọn và trao Giấy chứng nhận, kỷ niệm chương cho doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) năm 2020. Theo đó, Đồng Tháp có 10 sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNTTB cấp khu vực; 30 sản phẩm và bộ sản phẩm được công nhận CNNTTB cấp tỉnh.

THANH HIỀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn