Công tác cải cách hành chính phải lấy người dân làm trọng tâm phục vụ

Cập nhật ngày: 20/04/2022 10:13:26

ĐTO - Qua triển khai những nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) trọng tâm trong năm 2022 tại Hội nghị trực tuyến công bố kết quả Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ CCHC năm 2022, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo các ngành, các cấp để tiếp tục tăng cường công tác CCHC trong thời gian tới.

Cụ thể, các ngành, các cấp cần xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và mang tính đột phá, góp phần quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh địa phương: “Nghĩa tình - Năng động - Sáng tạo”; xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ, gần dân, sát dân, củng cố niềm tin, hướng đến sự hài lòng cao nhất của người dân, doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức phải thay đổi tư duy quản lý, cách nghĩ, cách làm so với trước đây, phải lấy người dân làm trọng tâm phục vụ, nói đi đôi với làm, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng.

Trong tháng 4/2022, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh và hướng dẫn các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện thành lập Ban Chỉ đạo CCHC của ngành, địa phương. Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC phải là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Ban Chỉ đạo CCHC xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, mạnh dạn đề xuất và triển khai thực hiện các mô hình, sáng kiến đột phá, hiệu quả.

Các ngành, các cấp chủ động đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý và phục vụ người dân, đặc biệt trong năm nay phải tạo bước đột phá trong chuyển đổi số. UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm Kiểm soát thủ tục hành chính và Phục vụ hành chính công tiếp tục nghiên cứu triển khai các ứng dụng, phần mềm nhằm công khai, minh bạch để người dân giám sát quá trình giải quyết hồ sơ, công việc của cơ quan hành chính nhà nước.

Bên cạnh đó, nâng cao đạo đức công vụ gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; kịp thời thay thế, xử lý những cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện quan liêu, tiêu cực; quan tâm xây dựng đội ngũ kế thừa; thường xuyên chuyển đổi các vị trí công tác dễ phát sinh tiêu cực. Trong đó, các ngành, các cấp phải nhận diện và có các giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi, dứt khoát không để xảy ra hiện tượng “cò mồi” trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuộc ngành hoặc địa bàn quản lý, làm mất niềm tin của người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và đi cơ sở để kịp thời phát hiện, xử lý các hiện tượng tiêu cực trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp; chủ động thiết lập các kênh giao tiếp, lắng nghe thông tin nhiều chiều để nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý các tình huống, không để phát sinh “điểm nóng” trong ngành và trên địa bàn quản lý.

T.T

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn