Sản xuất lúa thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính

Cập nhật ngày: 03/08/2022 09:39:42

ĐTO - Để bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu, một trong những giải pháp đang được quan tâm là giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp. Điều này, đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vô cùng ý nghĩa, góp phần đưa khu vực này trở thành một trung tâm sản xuất xanh, bền vững với các mô hình làng sinh thái, làng thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.


Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa

Hỗ trợ sinh kế cho hộ nông dân trồng lúa

Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan tổ chức hội thảo khởi động Dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới sự phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL. Bà Trần Thu Hà - Giám đốc Dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới sự phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL cho biết, dự án sẽ được triển khai trong 5 năm (2022-2027) và được Chính phủ Úc tài trợ 10 - 15 triệu đô-la Úc, được triển khai tại 3 địa phương sản xuất lúa trọng điểm của ĐBSCL (Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang).

Theo bà Trần Thu Hà, sẽ có 5-10 doanh nghiệp lớn trong chuỗi ngành hàng lúa gạo tham gia khoảng 200.000-500.000ha diện tích trồng lúa. Trong đó, có 300.000 nông hộ được hỗ trợ sinh kế. Dự án sẽ giúp tăng năng suất lúa khoảng 5%, trong khi chi phí giảm từ 10-15%, từ đó, lợi nhuận của nông dân thu được tăng khoảng 10-15%. Đặc biệt hơn là giảm phát thải khoảng 200.000 tấn khí CO2, giảm 20-30% chất thải hóa học, tiết kiệm khoảng 15% chi phí đầu vào. Để thực hiện được mục tiêu này, dự án sẽ mời gọi các doanh nghiệp kinh doanh trong chuỗi giá trị lúa gạo tham gia, triển khai phương pháp canh tác lúa cải tiến, giảm lượng khí thải. Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia, dự án có sử dụng cơ chế trao giải thưởng dựa trên kết quả đạt được.

Bên cạnh đó, Dự án tập trung vào mảng phát triển nông nghiệp xanh đối với ngành hàng lúa gạo nhằm ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu. “Chúng tôi sẽ gắn kết dự án với khu vực kinh tế tư nhân làm đầu tàu với những sáng kiến mới nhất trong sản xuất lúa, giảm phát thải khí nhà kính nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất”, bà Hà cho biết. Mục tiêu chính của dự án là thông qua việc đưa các gói công nghệ tiến bộ vào các vùng nguyên liệu của doanh nghiệp giúp tăng thu nhập của nông hộ nhỏ, cải thiện được chuỗi liên kết của chuỗi giá trị lúa gạo.

Vùng ĐBSCL có 3,9 triệu hecta lúa/năm, trong đó có 700.000ha đất canh tác 3 vụ, tổng sản lượng hơn 24 triệu tấn (chiếm 56% cả nước); cung cấp 90% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6,2-6,5 triệu tấn gạo mỗi năm. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa chưa khoa học gây ra nguồn phát thải khí nhà kính. Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo đang đứng trước 3 thách thức gồm sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; xung đột quốc tế làm chi phí đầu vào tăng, đặc biệt là giá phân bón tăng với tốc độ phi mã; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Thay đổi để phát triển

Theo các chuyên gia, nông nghiệp là một trong những tác nhân gây nên biến đổi khí hậu khi phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này chiếm 18% tổng lượng phát thải. Lượng phát thải dự kiến vào năm 2030 sẽ lên tới 120 triệu tấn CO2, trong đó có tới một nửa xuất phát từ ngành lúa gạo.

Trước thực trạng này, Việt Nam có cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) sẽ đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm 30% khí thải Metan đến năm 2030... Theo bà Carolyn Turk - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh, phát thải thấp tập trung vào chuyển đổi xanh. Ngành nông nghiệp Việt Nam cần lưu ý cả về thích ứng và giảm thiểu.

Nhận diện được thách thức, thời gian qua, với sự tài trợ của các đối tác quốc tế, tỉnh Đồng Tháp tham gia nhiều dự án xây dựng những mô hình nông nghiệp và đạt được nhiều kết quả thiết thực. Qua đó giúp giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho người nông dân; phục hồi hệ sinh thái, cải thiện độ dinh dưỡng trong đất; tạo ra nông sản sạch, giá trị cao.

Về định hướng phát triển, tỉnh Đồng Tháp luôn quan tâm, phát triển nông nghiệp, nông thôn theo phương châm thuận theo tự nhiên, tránh can thiệp quá mức vào tự nhiên và môi trường sống. Đồng thời sử dụng có hiệu quả, hợp lý tài nguyên thiên nhiên; chủ động linh hoạt thích ứng và tận dụng cơ hội từ biến đổi khí hậu như một nguồn tài nguyên để phát triển.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, qua hơn 7 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông nghiệp của tỉnh nhà được chuyển đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng. Những sản phẩm có giá trị của địa phương phù hợp với nhu cầu thị trường theo hướng tăng lợi nhuận, chất lượng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ hướng tới xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sinh thái, phát triển bền vững gắn với việc kiến tạo mạnh mẽ nền nông nghiệp hiện đại theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; sử dụng bền vững nguồn nước, bảo đảm cân bằng sinh thái, giữ gìn đa dạng sinh học...

NGUYỆT ĐỖ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn