Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để xảy ra khủng hoảng truyền thông

Cập nhật ngày: 25/11/2022 05:19:24

Thủ tướng cho biết, vừa qua, xử lý một số hành vi, việc làm không đúng pháp luật liên quan đến vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, một số tổ chức tín dụng yếu kém, vấn đề này không thể không xử lý, bởi càng để lâu càng ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.


Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chiều 24/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "nhận thức- hành động- nguồn lực".

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện nay tỷ lệ các bài về tuyên truyền chính sách chưa cao, tin tức về giải trí đang là cao nhất. “Nếu người dân không biết, không hiểu chính sách của Đảng và Chính phủ thì hoặc người dân không làm hoặc làm không đúng. Chính sách mà không được giải thích, không đến được mọi người dân thì làm sao chính sách thành công được”, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT, báo chí là phương tiện truyền thông. Còn công tác truyền thông là việc của chính quyền các cấp. Công tác truyền thông bao gồm việc đưa thông tin gì ra cho báo chí, lập kế hoạch truyền thông, bố trí ngân sách cho truyền thông. Từ trước đến nay vẫn có sự nhầm lẫn là báo chí làm công tác truyền thông và vì thế, chính quyền các cấp không làm công việc này. Do vậy mà hay xảy ra khủng hoảng truyền thông của các cấp chính quyền. Báo chí khi làm tuyên truyền thì thiếu thông tin từ chính quyền, cũng thiếu cả việc đặt hàng từ chính quyền. Tức là báo chí thiếu cả thông tin và ngân sách để làm tuyên truyền.

Theo Bộ trưởng, nếu gộp lại cả báo đài tự chủ và chưa tự chủ tài chính thì ngân sách nhà nước chỉ chiếm 23% tổng thu thường xuyên của báo đài, 77% còn lại là do báo, đài thu từ dịch vụ. Tức là, cái dạ dày của báo chí đang được thị trường nuôi tới 77%. “Nhưng vấn đề hiện nay là phần thu dịch vụ của báo chí, nhất là từ quảng cáo, ngày càng bị mất vào tay các nền tảng xuyên biên giới. 80% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng này, báo chí ta chỉ còn 20%. Nếu xét toàn bộ thị trường quảng cáo trên các loại phương tiện truyền thông thì báo chí của chúng ta chỉ còn 40%. Nguồn thu đang bị suy giảm mạnh, báo chí đang khó khăn, và vì thế mà cần hơn nữa đặt hàng từ nhà nước cho báo chí”, Bộ trưởng chỉ ra vấn đề.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị toàn quốc về công tác truyền thông chính sách. Ảnh: VIẾT CHUNG

Bộ trưởng cũng cho rằng, bây giờ mà không có công nghệ là không thể làm báo. Mạng xã hội, nền tảng số đang lấn sân báo chí chính là do công nghệ. Tụt hậu về công nghệ là không thể giữ được người đọc. Bởi vậy, các cơ quan chủ quản báo chí phải quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ cho các cơ quan báo chí.

Theo Bộ trưởng, cần nhận thức lại về công tác truyền thông, theo đó công tác truyền thông là một việc, một chức năng rất quan trọng của chính quyền các cấp. Chính quyền các cấp phải có bộ phận chuyên trách làm công tác truyền thông. Các tỉnh thành muốn giao chức năng này về sở TT-TT thì phải bổ sung chức năng, nhân lực, kinh phí để làm. “Tăng thêm cho truyền thông 0,2% ngân sách trong lúc này là cần thiết để báo chí cách mạng nâng cao năng lực cạnh tranh, cả về hạ tầng công nghệ và nhân lực”, Bộ trưởng đề xuất.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách. Truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống. Điều này sẽ gia tăng hiệu quả, hiệu lực của chính sách. Trên thực tế, một số chủ trương chính sách đúng đắn, nếu làm truyền thông không tốt thì không tạo đồng thuận cao trong xã hội. "Có khi ý tưởng tốt, mang lại hiệu quả cao, nhưng truyền thông không tốt thì cuối cùng cũng không làm được", Thủ tướng nêu rõ. Tinh thần là phải làm được, nói được thì mới tốt. Muốn vậy phải thông qua truyền thông.

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, thống nhất cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, sức mạnh của công tác truyền thông chính sách. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về truyền thông chính sách là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. Công tác truyền thông chính sách cần được tiến hành khoa học, bài bản.


Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Nhấn mạnh việc không để xảy ra khủng hoảng truyền thông, Thủ tướng cho biết, vừa qua xử lý một số hành vi, việc làm không đúng pháp luật liên quan đến vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, một số tổ chức tín dụng yếu kém, vấn đề này không thể không xử lý, bởi càng để lâu càng ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. 

"Chúng ta truyền thông tốt để tạo niềm tin thì mọi người thấy rằng làm thế là đúng và phải làm, không làm không được, xử lý người sai để bảo vệ người đúng, Nhà nước bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân trong bất cứ hoàn cảnh nào", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường thông tin chính sách; đẩy mạnh công tác truyền thông từ khâu đề xuất, soạn thảo chính sách, đến tổ chức thi hành, nhằm tạo đồng thuận xã hội và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp. Không nên quan niệm truyền thông chính sách là việc của các cơ quan báo chí, truyền thông.

Theo PHAN THẢO (SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn