Thiêng liêng giữa biển trời Trường Sa

Cập nhật ngày: 14/03/2024 05:37:58

ĐTO - Cách nay 36 năm, ngày 14/3/1988, đã xảy ra sự kiện bi tráng Gạc Ma với sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam. Máu các anh hòa cùng biển cả, tạo thành một tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tình yêu biển đảo Tổ quốc.


Tháng 5/2023, trước lúc lên tàu ra thăm cán bộ, chiến sĩ các đảo và Nhà giàn DKI, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phan Văn Thắng dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa

XÚC ĐỘNG GIỮA TRƯỜNG SA

Chúng tôi may mắn, vinh dự được cùng Đoàn công tác của tỉnh ra thăm, động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DKI vào tháng 5/2023. Trên chuyến hải trình, tàu KN 491 đến vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa. Nơi đây, 36 năm về trước, đã diễn ra cuộc chiến đấu anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam chống lại quân xâm lược để bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Giữa biển trời Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, Đoàn công tác tổ chức lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Trong giờ phút thiêng liêng, xúc động, với lòng thành kính và niềm tiếc thương vô hạn, các thành viên Đoàn công tác kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn các anh hùng liệt sĩ đã hiến đời mình cho sự toàn vẹn chủ quyền biển đảo. Thượng tá Cao Văn Dân - Phó Tổng Biên tập Báo Hải quân đọc diễn văn tưởng niệm vang lên lời thơ: “Ôi những chàng trai nòi giống Tiên Rồng/Tên các anh hòa vào tên đất nước/Con sóng vẫn gầm vang thổn thức/Hát mãi lời thề giữ biển đảo quê hương”, đã khiến nhiều đại biểu xúc động, không cầm được nước mắt. Đi cùng Đoàn công tác, chị Lê Thị Tiên - công tác tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TP Cao Lãnh chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được đến Trường Sa, được ngắm nhìn biển đảo Tổ quốc. Sự hy sinh của các anh đã trở thành biểu tượng cho tình yêu biển đảo và trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam”.

Những anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma còn rất trẻ và có người đã có gia đình nhưng chưa biết mình có con. Và những người con đó chỉ biết cha mình qua lời kể của người thân, trong đó có Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân công tác tại Vùng IV Hải quân là con trai liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong. Cha hy sinh lúc Nguyễn Tiến Xuân mới được 3 tháng tuổi, mọi ký ức về cha là qua lời kể của mẹ. Từ nhỏ, Nguyễn Tiến Xuân luôn muốn trở thành người lính Hải quân để được đến nơi cha đã hy sinh bảo vệ biển đảo. Tiếp nối truyền thống anh hùng của cha, Nguyễn Tiến Xuân đã đến công tác ở Trường Sa nhiều năm để góp phần xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân xúc động chia sẻ: “Mỗi lần qua vùng biển Gạc Ma, tôi và các đồng đội luôn làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Nhiều lần trực tiếp làm lễ tưởng niệm, tôi luôn gửi tới cha lời khấn nguyện mong cha hãy thanh thản, yên lòng vì con và các đồng đội đang nối tiếp sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vùng biển Trường Sa”.


Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Kim Tuyến thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ

TƯỢNG ĐÀI BẤT TỬ

Trong lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, biển đảo luôn có vị trí chiến lược, là một phần lãnh thổ máu thịt không thể cắt rời của Tổ quốc. Theo suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ người Việt đã phải đổi bằng máu xương, công sức, mồ hôi và nước mắt để xác lập, quản lý, bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên Biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng với mưu đồ “thôn tính Trường Sa, độc chiếm Biển Đông”, ngày 14/3/1988, quân xâm lược bất ngờ sử dụng lực lượng tàu chiến, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa.

Trước hành động ngang ngược, bất chấp lương tri, đạo lý và luật pháp của quân xâm lược, các cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam với ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Dẫu biết rằng, cuộc chiến không cân sức, đối phương có lực lượng đông, vũ khí mạnh, còn ta lực lượng thì mỏng, chỉ có tàu vận tải và vũ khí bộ binh, không tránh khỏi đổ máu, hy sinh. Nhưng những điều đó không khuất phục được ý chí và tinh thần chiến đấu ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam.


Lễ tưởng niệm tổ chức trang nghiêm trên tàu KN 491, thể hiện sự tri ân các anh hùng liệt sĩ

Trong cuộc chiến đấu anh dũng đó đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đó là cán bộ, chiến sĩ các tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125; cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146, Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân; các Anh hùng liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Đại úy Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng Tàu HQ 604...

Trong đó, Anh hùng liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương - Chỉ huy phó đảo Gạc Ma, trong khi súng địch khạc lửa mà vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ đảo, giữ vững lá cờ Tổ quốc. Trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và dõng dạc tuyên bố: “Không được lùi bước, phải để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải quân”. Đó là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tá Vũ Huy Lễ - Thuyền trưởng Tàu HQ 505, trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, nguy cơ mất đảo trong gang tấc đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu vừa chiến đấu vừa lao lên bãi cạn Cô Lin, để con tàu trở thành pháo đài, làm cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm giữa Biển Đông.


Nghi thức thả vòng hoa tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã hy sinh vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Kể sao cho hết những tấm gương hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam trong sự kiện năm ấy. Các anh đã làm sáng ngời lên niềm tin quyết thắng, tô thắm thêm phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” - người chiến sĩ Hải quân. Sự hy sinh của các anh đã kết thành “Vòng tròn bất tử”, tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng để cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, mãi mãi khắc ghi và noi theo, với quyết tâm thực hiện tâm nguyện của cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.

36 năm trôi qua, nhưng ký ức bi tráng về các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma không thể xóa nhòa, đó là một phần lịch sử không thể nào quên và không ai được quên. Tên tuổi, sự hiên ngang, kiêu hãnh của các anh vẫn sáng mãi trong niềm tự hào và tiếc thương vô hạn của gia đình và đồng bào cả nước.

DƯƠNG ÚT (lược ghi)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn