Đồng Tháp

Đẩy mạnh giải pháp thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4

Cập nhật ngày: 08/06/2020 09:28:43

ĐTO - Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành trong tỉnh, Cổng Dịch vụ công tỉnh Đồng Tháp đi vào hoạt động tại địa chỉ http://dichvucong.dongthap.gov.vn, đây là bước tiến mới về cải cách hành chính (CCHC), giảm thiểu tối đa công sức, thời gian cho người dân và chính quyền trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC).


Người dân tìm hiểu thao tác thực hiện Thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả

Sau thời gian hoạt động, Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực, được người dân, doanh nghiệp, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh ủng hộ. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4 phát sinh trên Cổng Dịch vụ công còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu đề ra. 5 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 9.300 hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết qua các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 4. Trong khi đó, tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tiếp là hơn 200.000 hồ sơ.

Tại TP.Sa Đéc, từ đầu năm đến nay, việc tiếp nhận giải quyết hồ sơ thông qua DVCTT mức độ 3 vẫn còn rất thấp, chỉ có 78 hồ sơ trong tổng số hơn 22.000 hồ sơ tiếp nhận, giải quyết (hồ sơ tiếp nhận trực tuyến chủ yếu thuộc lĩnh vực: thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh; thi đua khen thưởng và hộ tịch). Còn huyện Lai Vung, 5 tháng đầu năm chỉ phát sinh 2 hồ sơ, được thực hiện trên mô hình này ở mức độ 3, chưa có hồ sơ thực hiện ở mức độ 4.

Theo ông Trần Minh Lý – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nguyên nhân chủ yếu là còn nhiều người dân và doanh nghiệp thừa nhận chưa biết và chưa thực sự quan tâm nhiều đến các DVCTT của các cơ quan Nhà nước. Mặt khác, do thói quen dùng giấy tờ, trình độ và điều kiện sử dụng thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) của người dân còn nhiều hạn chế (đặc biệt là khu vực nông thôn), tâm lý còn lo ngại về sự mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến...

Trong các cuộc khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng người sử dụng dịch vụ công do Sở Nội vụ thực hiện, khi được hỏi về việc nộp hồ sơ trực tuyến còn ít, đa số tổ chức, công dân cho biết họ luôn có tâm lý e ngại, sợ thất lạc hồ sơ khi gửi qua mạng, không yên tâm như nộp trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Mặt khác, do dữ liệu thông tin liên quan đến TTHC được cung cấp ở mức độ 3 và 4 trên website của các địa phương, đơn vị còn thiếu, cập nhật chưa đầy đủ, khó tra cứu, khó sử dụng; hạ tầng CNTT chưa đồng bộ. Để sử dụng được dịch vụ này cần phải có một sự hiểu biết nhất định về CNTT nên người dân cũng ít quan tâm thực hiện. Công tác tuyên truyền về những tiện ích của DVCTT cũng chưa được đẩy mạnh nên tỷ lệ người dân và doanh nghiệp giải quyết TTHC theo hình thức này chưa cao.

Ông Võ Văn Che (SN 1955) ngụ xã An Khánh, huyện Châu Thành cho biết, cũng có nghe báo, đài và UBND xã tuyên truyền về những tiện ích của DVCTT. Tuy nhiên, do không rành về thao tác thực hiện để đăng ký giải quyết thủ tục hồ sơ trên phần mềm; thêm vào đó e ngại hồ sơ bị thất lạc nên trước giờ cứ đến trực tiếp UBND xã, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện để làm.

Để thúc đẩy quá trình sử dụng DVCTT mức độ 3 và 4, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đồng Tháp - Trần Minh Lý cho biết, Sở có đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng khi sử dụng DVCTT, nhất là thiết kế các tài liệu hướng dẫn theo từng bước thực hiện dịch vụ dưới dạng tờ gấp để cung cấp cho người dùng tại Bộ phận một cửa các cấp; tuyên truyền trên mạng xã hội Facebook, Zalo để tạo thêm kênh thông tin về lợi ích khi sử dụng DVCTT đến từng hộ gia đình.

UBND cấp huyện, cấp xã cần đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng; kết hợp với sinh hoạt Hội quán nông dân để trình chiếu các đoạn video hướng dẫn sử dụng dịch vụ, phát tờ gấp giới thiệu dịch vụ cho người dân... Bên cạnh đó, cần chỉ đạo, quán triệt trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện sử dụng DVCTT khi quan hệ giải quyết TTHC cũng như giới thiệu, hướng dẫn cho người thân cùng thực hiện; quan tâm đầu tư trang thiết bị cần thiết tại Bộ phận một cửa cấp huyện, xã để người dân, doanh nghiệp có thể thao tác, sử dụng việc nộp hồ sơ TTHC qua DVCTT.

Ngoài các giải pháp trên, để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế và đẩy mạnh thực hiện công tác CCHC trên địa bàn tỉnh trong thời gian tiếp theo, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục hoàn thiện các tính năng của Cổng Dịch vụ công tỉnh, hệ thống phần mềm Một cửa điện tử theo hướng đơn giản, thuận tiện cho người sử dụng; bảo đảm sự ổn định, thông suốt của hệ thống Cổng Dịch vụ công của tỉnh, hệ thống Một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã; bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, không để xảy ra lộ lọt thông tin, dữ liệu.

KIM NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn