Vách kính ngăn và tâm lý người dân khi đến “cửa công”

Cập nhật ngày: 11/07/2019 05:50:14

Không biết thời điểm nào mà người dân đến thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa ở các cơ quan công quyền thì xuất hiện tấm kính ngăn giữa cán bộ và người dân.


Người dân và cán bộ tiếp dân trao đổi tại bộ phận một cửa ở UBND TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp

“Người cắm đầu nhìn xuống, người ngước mặt nhìn lên”

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều nơi người dân đến bộ phận một cửa ở các cơ quan, tấm kính là vách ngăn trong suốt được thiết kế nhiều dạng khác nhau. Có nơi chừa một đường dài trên tấm kính để cán bộ trao đổi với người dân. Có nơi thiết kế bằng cách khoét một lỗ hình tròn hay hình chữ U tượng trưng cho “một không gian giao tiếp” chỉ đủ để người dân đưa hồ sơ cho cán bộ tiếp nhận. Và như vậy, tùy theo thiết kế mà người dân khi đến đây thực hiện các thủ tục hành chính muốn trao đổi thông tin với cán bộ phải cúi cong người hoặc ngồi ghế nhưng cũng phải ghé sát xuống để trao đổi những vấn đề có liên quan đến giấy tờ của mình với cán bộ nhà nước.

Thoạt nhìn, cán bộ và dân đều nghe được tiếng của nhau; tấm kính trong suốt nên mọi việc đều có thể quan sát nhau. Thế nhưng, việc lắp đặt những tấm kính ngăn cách để làm gì? Điều này cũng không rõ lắm những tác dụng hay mục đích. Tuy nhiên, vách kính ngăn như vậy lại ít nhiều gây cản trở, khó khăn trong giao tiếp, trao đổi thông tin giữa người dân với cán bộ. Khi mà còn tấm kính ngăn thì người cắm đầu nhìn xuống, người ngước mặt nhìn lên. Sâu xa hơn, vách ngăn ấy dễ gây tâm lý e ngại từ phía người dân khi đến “cửa công”.

Gần đây, một video clip xuất hiện trên mạng xã hội quay lại cảnh người dân cúi và chui đầu qua một ô cửa tại phòng đăng ký tiếp dân tại UBND một tỉnh phía Bắc. Qua những hình ảnh ấy cho chúng ta thấy rằng để đến với cơ quan công quyền, dường như người dân còn gặp nhiều khó khăn.

“Xóa vách ngăn hữu hình và vô hình”

Trong khi đó, tại Đồng Tháp, tấm vách kính ngăn ấy nhiều năm qua đã bị xem là cản trở cho sự phát triển; đồng thời địa phương này đã từng bước xóa vách ngăn vô hình từng tồn tại giữa chính quyền với công dân.

Tại TP.Cao Lãnh, trung tâm của tỉnh Đồng Tháp, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Thương nêu rõ từ thành phố xuống các xã, phường đã bỏ hết tấm kính ở nơi tiếp công dân đến thực hiện các thủ tục hành chính. Cùng với đó, thực hiện bước cải tiến tiếp theo là không đặt bàn quá cao để người dân đến làm việc được thoải mái với cán bộ tiếp nhận hồ sơ và khu vực tiếp công dân bố trí ở mặt tiền cơ quan để người dân không phải loay hoay tìm kiếm.

Việc bỏ tấm kính ở nơi tiếp công dân theo như ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp phân tích rằng không chỉ xóa vách ngăn hiện hữu mà còn xóa vách ngăn vô hình từng tồn tại giữa chính quyền với công dân. Chính ông Hoan thời điểm đầu năm 2014 đã đến bộ phận “một cửa” ở TP.Cao Lãnh tìm hiểu cách làm mới này. Từ đó, ông Hoan yêu cầu các địa phương trong tỉnh hãy bắt đầu cải cách bằng việc tháo bỏ kính ngăn cách. Bởi theo ông Hoan: “Chúng ta xây dựng bộ máy chính quyền gần dân, thân thiện với dân mà để tấm kính ấy thì chỉ làm dân xa chúng ta thôi. Trong khi chính người dân đóng góp tiền thuế để chúng ta hưởng lương mà khi người dân đến với chúng ta lại khúm núm, cúi đầu”.

Giờ đây, người dân đến thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa ở Đồng Tháp không còn phải khúm núm cúi đầu, thò tay qua lỗ kính. Còn cán bộ, nhân viên xử lý công việc cũng xóa bỏ được tâm lý cách biệt với dân để có trách nhiệm hơn.

Theo ông Lê Minh Hoan, thời gian qua, Chính phủ đang hành động quyết liệt để cải cách thủ tục hành chính, phục nhân dân, phục vụ sự phát triển, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền. Vì vậy, là cán bộ nhà nước, phải tuyệt đối thấm nhuần tư tưởng này để phục vụ cho người dân, làm động lực cho sự phát triển.

Trong lần công bố Chỉ số PAPI năm 2018 (công cụ phản ánh tiếng nói người dân về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Đồng Tháp xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với chỉ số 83,71%, tăng 1,8% và tăng 11 bậc so với năm 2017.

2 trong 6 chỉ số là Thủ tục hành chính công và Cung ứng dịch vụ công có thể được thay đổi từ những việc tưởng chừng như nhỏ nhất: để người dân cảm thấy gần gũi cán bộ. Riêng việc người dân không phải “cúi đầu” để chuyển hồ sơ, giấy tờ hoặc giao tiếp với cán bộ công quyền khi vách kính ngăn được dỡ bỏ cũng xứng đáng được ghi nhận như một kết quả thực tế của cải cách hành chính.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương nêu rõ, tuy là tỉnh duy nhất liên tục 11 năm ở trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành cao nhất nước, nhưng địa phương không có sự tự mãn. UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch Cải thiện Chỉ số cải cách hành chính năm nay với mục tiêu đạt chỉ số từ 85,5% trở lên; đồng thời, Đồng Tháp đã xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành ở cấp tỉnh và UBND cấp huyện, sẽ triển khai trong năm 2019 này. Trong đó tập trung nhất là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao trách nhiệm của công chức, viên chức.

Có thể nói, việc tiếp công dân cần phải được quan tâm ngay từ những chi tiết tưởng chừng như rất nhỏ ấy để chính quyền thật sự gần dân, phục vụ dân. Trong đó, việc hầu hết các nơi tiếp công dân trong tỉnh Đồng Tháp đã xóa bỏ được vách ngăn hữu hình và vô hình cũng là một sự cầu thị trong việc tiếp công dân. Bởi theo ông Lê Minh Hoan, phải lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức.

Thanh Tùng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn