Viêm phế quản cấp và biến chứng

Cập nhật ngày: 23/10/2015 12:22:15

Thời tiết chuyển mùa cơ thể dễ bị nhiễm lạnh, gây các bệnh đường hô hấp, trong đó viêm phế quản cấp là một bệnh rất thường gặp. Tổn thương do viêm phế quản lớn và phế quản trung bình nếu lan đến tiểu phế quản thì dễ gây suy hô hấp cấp.

Những triệu chứng thường gặp

Viêm phế quản cấp thường do nhiễm trùng đường hô hấp trên do các vi khuẩn hay gặp: phế cầu, liên cầu, H. influenzae hoặc các virut: Adenovirus, Parainfluenenza..., sau khi mắc các bệnh: cúm, sởi, ho gà. Viêm phế quản cấp thường được chẩn đoán lâm sàng theo hai giai đoạn:

Giai đoạn khô (3-4 ngày): Người bệnh hắt hơi, sổ mũi, rát sau xương ức, sốt vừa hoặc sốt cao 30-40 độ C, đau ngực, ho khan, có khi khàn tiếng. Người mệt mỏi, nhức đầu, đau mình mẩy, ăn uống kém. Giai đoạn này người bệnh dễ lầm tưởng mình bị viêm mũi họng hay cảm cúm rồi bỏ qua.

Giai đoạn ướt (5-7 ngày): Cảm giác rát sau xương ức giảm dần. Khó thở nhẹ, ho khạc lúc đầu có đờm trong, nhày, sau đờm đặc quánh màu xanh, màu vàng hay đục. Bệnh diễn biến một tuần đến 10 ngày, có thể khỏi. Một số người bệnh kéo dài vài ba tuần, đôi khi sốt cao, ho nhiều đờm, có khi ho ra máu kèm theo khó thở.

Có thể gây biến chứng

Một số trường hợp bệnh tái phát nhiều lần, những ổ viêm nhiễm ở phế quản không được điều trị đầy đủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giãn phế quản, viêm phế quản mạn tính. Ở trẻ em có thể biến chứng viêm phế quản bít tắc. Đôi khi viêm phế quản cấp là mở đầu của một bệnh hen phế quản. Nếu bệnh nhân bị cúm có bội nhiễm viêm phế quản thì bệnh trở nên nặng, khi đó việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn.

Những người bị ho, khó thở, nhất là những trường hợp nặng cần phải đến cơ sở y tế để khám bệnh, làm xét nghiệm máu, chụp Xquang phổi, cấy đờm để loại trừ một vài bệnh khác như lao phổi, ung thư phổi, giãn phế quản, hen phế quản, dị vật vào đường hô hấp hoặc phổi bị ứ đọng trong các trường hợp suy tim.

Phòng bệnh viêm phế quản cấp

Giai đoạn chuyển mùa, để phòng bệnh viêm phế quản cấp tính cần đảm bảo chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục thường xuyên. Giữ gìn nơi ở thông thoáng, tránh môi trường khói bụi. Không hút thuốc lá, thuốc lào. Điều trị tích cực và triệt để các ổ nhiễm khuẩn tai mũi họng, tốt nhất là điều trị khi có những dấu hiệu sớm của bệnh.

Tránh việc bị nhiễm lạnh đột ngột, tránh để quạt điện thổi trực tiếp vào người lúc nửa đêm và gần sáng. Cần giữ ấm chân, cổ, ngực khi ngủ và lúc ra ngoài trời.

Bác sĩ  Minh Hằng (SKĐS)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn