Đồng hành cùng du lịch

Cập nhật ngày: 23/10/2019 10:00:24

ĐTO - Du lịch là một trong những phương thức giao lưu của con người, từ nhu cầu muốn tìm hiểu, khám phá của con người, do đó mặc nhiên du lịch là phương thức giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền, quốc gia, dân tộc; có tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế, bởi địa điểm du lịch là sản phẩm hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, không mất đi mà ngày càng tăng giá trị nếu biết bảo tồn và mở rộng các dịch vụ phù hợp.


Ảnh: Mỹ Lý

Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, dẫn nguồn từ những tổ chức quốc tế có uy tín liên quan đến du lịch, đến hết quý II/ 2019, Việt Nam đứng thứ 10 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đón khách cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 4 trong khu vực Đông - Nam Á.

Cũng trong năm nay, du lịch nước ta nhận 4 giải thưởng hàng đầu châu Á: Điểm đến hàng đầu, Điểm đến ẩm thực hàng đầu, Điểm đến văn hóa hàng đầu, Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á là TP.Hội An.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã từ vị trí thứ 14 vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng những nơi sống và làm việc tốt nhất đối với người nước ngoài qua khảo sát từ hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cùng với Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp lần thứ 8 đang diễn ra, với 12 chỉ tiêu chủ yếu năm 2019 đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch (tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, số giường bệnh trên 1 vạn dân/giường và tỷ lệ số dân tham gia bảo hiểm y tế), những thông tin về lĩnh vực du lịch là điểm sáng trong bức tranh sáng của kinh tế - xã hội nước ta.

Trong thành tựu của du lịch Việt Nam, có sự đóng góp của đất và người Đồng Tháp.

Đồng Tháp, thời gian dài trong con mắt nhiều người, kể cả dân bản địa, là nơi cuối nguồn khuất nẻo. Nói đến Đồng Tháp, là sự liên tưởng đến địa danh Đồng Tháp Mười.

Khoảng hơn 20 năm trước, đi công tác ở Hà Nội, một số người ngạc nhiên và nghi ngờ khi người viết bài này kể về Đồng Tháp, thậm chí có người dứt khoát không tin xe ô tô đã chạy vào đến rốn lũ Đồng Tháp Mười. Theo họ, Đồng Tháp chỉ có lúa, tràm, năng, lát, lũ lụt và “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội tợ bánh canh”.

Tất nhiên, ý kiến vài người như trên chỉ là cá biệt, nhưng cũng phản ánh một thực trạng lúc bấy giờ: thông tin về Đồng Tháp chưa được quan tâm, giao thông cách trở, bên cạnh đó, ngoài Khu Di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những điểm về nguồn cả nước; Di tích Gò Tháp còn hoang sơ; Vườn hồng Tư Tôn, thì những điểm đến khác cũng na ná như những địa phương khác trong vùng.

Hơn 20 năm, tương ứng với một thế hệ.

Đồng Tháp ngày nay đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Du lịch Đồng Tháp trong 9 tháng đầu năm 2019 vượt cả 3 tiêu chí so với năm 2018: hơn 2,8 triệu lượt khách, tăng 12,4%; khoảng 70 ngàn khách quốc tế, tăng 49,4%, doanh thu tăng 18,2%.

Đạt được kết quả đó, là Đề án và Kế hoạch phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020, sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành liên quan và sự đồng hành của các tầng lớp nhân dân.

Khu Di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được tôn tạo, mở rộng với khung cảnh, hiện vật của làng Hòa An xưa, đất Cao Lãnh xưa. Di tích Gò Tháp trở thành nơi hành hương và du lịch văn hóa - tâm linh của hàng vạn người khi vào mùa lễ hội hàng năm. Từ vườn hồng Tư Tôn xưa, nay đã thành làng hoa, thành phố hoa Sa Đéc. Những điểm đến na ná như nơi khác trong vùng trước đây đã tìm hoặc tạo ra những sản phẩm du lịch cá biệt, độc đáo, như đi dạo, nghỉ trưa dưới lũy tre xanh với nhiều loại tre trong và ngoài nước; chiêm ngưỡng loài cỏ dại hoàng đầu ấn trổ hoa; hái cà na trong mùa lũ... Không ít nông dân chân lấm tay bùn đã tiếp cận và bắt tay vào loại hình du lịch lạ lẫm: du lịch homestay.

Các dịch vụ hỗ trợ, như khách sạn, điểm lưu trú, nhà hàng, siêu thị, đặc sản địa phương đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách.

Đặc biệt, sự thân thiện, hào sảng của người dân tạo dấu ấn đậm nét với người phương xa khi đến Đất Sen hồng.

Có câu “Đất lành chim đậu”. Thông qua việc hàng triệu du khách đến Đồng Tháp, cùng chủ trương, chính sách của tỉnh về tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện, ngày càng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Đồng Tháp đầu tư hoặc tìm cơ hội đầu tư.

Đồng Tháp hiện không còn là nơi cuối nguồn khuất nẻo. Dân bản địa không còn tự ty và tự ái khi nghe ai đó nói vậy. Tuy nhiên, để du lịch tỉnh nhà tiếp tục phát triển, qua đó tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước, vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó rất cần sự đồng hành của nhân dân, của ngành và những người đang làm và có ý định làm dịch vụ du lịch.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn