Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật ngày: 17/09/2018 10:09:09

ĐTO - UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đưa du lịch Đồng Tháp phát triển bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, khẳng định được thương hiệu du lịch, hình ảnh địa phương.


Du khách tham quan điểm du lịch homestay tại huyện Tam Nông

Điểm đáng chú ý trong kế hoạch là không gian du lịch được phân làm 4 cụm. Cụm 1 gồm: TP.Cao Lãnh và các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Thanh Bình. Với các loại hình sản phẩm du lịch như du lịch tham quan sinh thái rừng tràm ngập nước nội địa gắn với các trò chơi thể thao cảm giác mạnh; du lịch về nguồn tìm hiểu lịch sử cách mạng gắn với giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng ven sông Tiền gắn với các dịch vụ bổ trợ; du lịch ẩm thực gắn với mua sắm đặc sản địa phương - quà lưu niệm; du lịch lễ hội - văn hóa tâm linh; du lịch trải nghiệm nông nghiệp xanh - công nghệ cao gắn với làng nghề thủ công tiêu biểu của địa phương.

Cụm 2 gồm: TP.Sa Đéc và các huyện: Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò. Cụm này sẽ tập trung vào các loại hình sản phẩm du lịch như: du lịch văn hóa - lễ hội hoa gắn với tham quan đường hoa, công viên hoa, kiến trúc cổ và mua sắm; du lịch cộng đồng lưu trú tại nhà dân (homestay) gắn với trải nghiệm làng nghề truyền thống và thưởng thức ẩm thực bánh dân gian; du lịch nghỉ dưỡng tại các cồn gắn với ngắm cảnh quan ven sông Tiền - sông Hậu.

Cụm 3 gồm TX.Hồng Ngự và các huyện: Hồng Ngự, Tam Nông và Tân Hồng. Với các loại hình sản phẩm du lịch như du lịch tham quan sinh cảnh đất ngập nước nội địa gắn với tìm hiểu đa dạng sinh học vùng Đồng Tháp Mười; du lịch trải nghiệm cuộc sống ngư dân mùa nước nổi gắn với tham quan bãi chim sinh sản tại Vườn Quốc gia Tràm chim; du lịch khám phá vùng biên - cột mốc biên giới gắn với thương mại dịch vụ,...

Song song với việc phát triển không gian du lịch phân theo cụm, tỉnh còn chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối tới các khu, điểm du lịch trọng điểm; các bãi đỗ xe, bến tàu khách du lịch, trạm dừng nghỉ và khu vệ sinh công cộng,... Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch, tỉnh tập trung phát triển hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch chất lượng cao, hiện đại, tiện nghi đồng bộ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; trong đó tập trung mời gọi đầu tư phát triển các dự án về du lịch, kết hợp với du lịch, từng bước hình thành hệ thống các khách sạn - nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp; tổ hợp khách sạn kết hợp trung tâm thương mại - hội nghị - hội thảo; phát triển các cơ sở lưu trú du lịch gần gũi với thiên nhiên phục vụ loại hình du lịch sinh thái; đầu tư các công trình dịch vụ phụ trợ để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp sạch và công nghệ cao; du lịch trải nghiệm làng nghề truyền thống.

Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Đồng Tháp, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ; phát triển tuyến du lịch đường sông kết nối các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp sạch, công nghệ cao, trải nghiệm làng nghề, văn hóa địa phương,... Đặc biệt, quan tâm các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi giá trị sản phẩm từ cây sen, đưa hình ảnh hoa sen và các sản phẩm từ sen thực sự trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của vùng Đất Sen hồng. Tiếp tục hỗ trợ các huyện, thị, thành xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, tổ chức các hoạt động điểm nhấn gắn với hoạt động văn hóa - lễ hội của địa phương.

Trong liên kết, xúc tiến quảng bá du lịch, tỉnh sẽ tổ chức hợp tác, liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành trong cả nước, trước hết là TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù, hấp dẫn khách quốc tế, có tính cạnh tranh cao và mở rộng thị phần khách nội địa. Chú trọng hợp tác phát triển các tour tuyến liên kết với các đơn vị có nhiều lợi thế và kinh nghiệm phát triển và là các trung tâm du lịch lớn của Quốc gia như: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Kiên Giang - Phú Quốc, các tuyến du lịch đường thủy trên sông Mê Kông, hợp tác với hãng lữ hành, các cảng quốc tế thuộc các nước Đông Nam Á đưa khách về tham quan du lịch Đồng Tháp.

Đến năm 2020 (thực hiện theo Đề án phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020), du lịch Đồng Tháp phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, tăng gấp đôi so với năm2014. Doanh thu đạt 900 - 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2014. Nâng thời gian lưu trú bình quân từ 1,1 ngày (năm 2014) lên 1,5 ngày vào năm 2020.

Đến năm 2030, phấn đấu thu hút 5,650 triệu lượt khách tham quan, du lịch; trong đó 160.000 khách du lịch quốc tế, tăng trưởng bình quân 4,5%/năm/tổng lượt khách. Tổng thu du lịch đạt 2.000 tỷ đồng, gấp đôi năm 2020, tăng trưởng bình quân 7%/năm. Số ngày lưu trú bình quân: phấn đấu đạt 2 ngày. Tạo việc làm cho người dân địa phương từ 10.000 - 12.000 lao động, trong đó lao động trực tiếp 2.000 người. Số lượng lao động qua đào tạo tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ du lịch đạt 80%/lao động trực tiếp.

Cơ sở lưu trú du lịch: có từ 4 - 5 khách sạn đạt tiêu chuẩn hạng 4 - 5 sao, 10 khách sạn đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao, 100 khách sạn đạt tiêu chuẩn hạng từ 1 - 2 sao, 50 cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Tổng số phòng lưu trú từ 3.000 - 3.500 phòng. Có từ 40 - 50 doanh nghiệp du lịch, lữ hành.

H.NGHĨA

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn