Đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của nước nhà (*)

Cập nhật ngày: 03/10/2014 04:53:54

(Bài phát biểu của đồng chí Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy, tại Lễ khai giảng năm học 2014 - 2015 của Trường Đại học Đồng Tháp).

Hôm nay, tôi tin chắc rằng mọi người có mặt tại đây đều rất vui khi được tham dự ngày hội lớn của thầy và trò Trường Đại học Đồng Tháp - ngày khai trường với biết bao kỳ vọng. Thay mặt lãnh đạo tỉnh và với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến Ban Lãnh đạo Trường, quý đại biểu, cùng toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và các em sinh viên. Chúc Trường Đại học Đồng Tháp đạt nhiều thành tựu quan trọng trong năm học mới!

Chúng ta đang ở vào thời kỳ có những biến đổi sâu sắc và nhanh chóng chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Một nghiên cứu khoa học cho thấy, cứ trung bình mỗi 5 năm, hàm lượng tri thức của nhân loại lại tăng lên gấp đôi. Từ sự phát triển dựa vào sức mạnh cơ bắp, chuyển sang dựa trên nền tảng tri thức là một bước tiến dài trong lịch sử loài người. Trong xu thế toàn cầu hóa, các quốc gia trên thế giới ở các mức độ khác nhau, đều chú trọng tạo ra sự thay đổi quan trọng đối với nền giáo dục ở quốc gia mình. Một trong những tiền đề quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta là phải bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực của nền kinh tế tri thức. Nhiệm vụ quan trọng nêu trên chủ yếu đặt trên đôi vai của những người làm công tác giáo dục.

Ngay từ đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, tổ chức UNESCO đã nhấn mạnh: “Thời đại mới đòi hỏi con người phải có cách nhìn mới, cách nghĩ mới và những kiến thức, kỹ năng mới của chính thời đại mình”. Nói cụ thể hơn, con người mới đó phải có khả năng tư duy độc lập, có phương pháp phân tích và khả năng phản biện, có năng lực sáng tạo và tinh thần đổi mới; có khả năng thích ứng với sự thay đổi; có năng lực hành động hiệu quả và tinh thần hợp tác trong một thế giới toàn cầu hóa.

Trải qua 11 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Đồng Tháp đã không ngừng vươn lên và có những bước tiến quan trọng, được Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Những thành quả đạt được là rất đáng biểu dương, là niềm tự hào không chỉ của nhà trường mà là của cả đất Sen Hồng. Trong chừng ấy thời gian, Trường đã cung cấp nguồn tri thức dồi dào cho tỉnh Đồng Tháp và khu vực. Đáng chú ý, đến nay, đã có trên 1.300 sinh viên được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Những thành tựu nêu trên đã khẳng định sự phấn đấu không mệt mỏi của tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên của nhà trường.

Tuy nhiên, hiện nay các trường đại học, nhất là các trường có đào tạo các ngành sư phạm đang đứng trước những thách thức lớn: thách thức trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội và nền kinh tế đối với nguồn nhân lực trình độ cao; thách thức trong sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng đào tạo; đặc biệt là thách thức giữa đào tạo và việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Để vượt qua được những thách thức nêu trên, nhà trường phải tự vượt lên chính mình, đưa ra được một thông điệp đổi mới mạnh mẽ đến toàn xã hội.

Tôi đề nghị nhà trường sớm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về giáo dục một cách sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của địa phương. Giải quyết hài hoà mâu thuẫn về số lượng và chất lượng giảng viên, giữa chỉ tiêu đào tạo và cơ hội việc làm của sinh viên. Đồng Tháp đang triển khai 3 chương trình: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Phát triển Du lịch và Xuất khẩu lao động. Tôi cho rằng với thế mạnh của mình, Ban Lãnh đạo Trường cần mạnh dạn có Kế hoạch gắn chặt với 3 chương trình trọng điểm nêu trên.

Nhà trường cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, xác định đây là khâu then chốt để tạo nên những bước đột phá trong xây dựng thương hiệu của mình. “Thầy có giỏi thì trò mới giỏi”, do vậy, cần tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giảng viên được học tập, nghiên cứu khoa học, tiếp cận với các phương pháp giảng dạy tiên tiến.

Nhà trường cần mạnh mẽ hơn, tự tin hơn trong đổi mới tư duy, từ đó, đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực quản trị, tạo ra môi trường thân thiện, dân chủ để phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức Nhà trường. Thực hiện tốt phương châm “lấy người học là trung tâm”, “dạy và học những gì xã hội cần”, vừa đào tạo, vừa chú trọng rèn luyện kỹ năng sống, đạo đức nghề nghiệp, xoá dần tâm lý “học ra trường để làm quan”. Nội dung, chương trình đào tạo phải vừa không lạc hậu với trào lưu chung, vừa không lạ lẫm với thực tiễn cuộc sống.

“Học để làm gì?”. Thoạt nghe như là một câu hỏi dễ trả lời nhưng thật sự đó là một triết lý rất sâu sắc, định hướng cho phương pháp và động cơ học tập ở mỗi người. Chính vì vậy, khi chuẩn bị bước sang thiên niên kỷ mới, tổ chức UNESCO đã xây dựng “Bốn trụ cột cho việc học” và lấy đó làm định hướng cho giáo dục của thời đại, đó là: “Học để biết, học để làm, học để xác lập mình và học để chung sống với người khác (Learning to know, learning to do, learning to be, and learning to live together)”. Nói cách khác, học để phát triển được hết năng lực của mỗi cá nhân, và thông qua đó, giúp mình làm chủ cuộc đời mình, tìm được ý nghĩa của đời sống mình mới là mục đích chính của việc học.

Khi bước chân vào ngôi trường này, chắc chắn các em mang theo bao hoài bão của bản thân và sự kỳ vọng của gia đình. Trong những năm đèn sách, các em luôn ước mơ mình có một việc làm mai sau. Tôi chúc các em đạt được ước mơ của mình, nhưng tôi cũng chia sẻ với các em một điều là: “Chính các em mới là người quyết định cho tương lai của mình, nắm trong tay vận mệnh của bản thân mình!”.

Xã hội ngày nay không đánh giá các em chỉ qua bằng cấp, kể cả bằng cấp đó có thứ hạng cao hay rất cao. Người tuyển dụng còn xem xét đến tư duy độc lập, kiến thức xã hội, kỹ năng làm việc, khả năng phối hợp nhóm, tính sáng tạo, để đánh giá các em. Cũng tương tự như các loại hàng hóa khác trên thị trường, sức lao động, dù là lao động trí thức, một loại hàng hóa đặc biệt đi chăng nữa, thì chất lượng mới chính là yếu tố quyết định đối với người có nhu cầu sử dụng. Hàng hóa chất lượng tốt sẽ được trả giá cao và ngược lại. Chất lượng của các em chính là lượng kiến thức, kỹ năng, tác phong và năng suất lao động. Thật đáng buồn khi năng suất lao động của người Việt Nam được đánh giá thấp hơn Singapore 15 lần; thấp hơn Nhật Bản 11 lần; thấp hơn Hàn Quốc 10 lần; chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan.

Xã hội tạo ra cơ hội, vấn đề các em có nắm lấy cơ hội đó hay không! Đừng tự trói mình vào cách nghĩ cũ, cách học cũ. Hãy sống và học tập bằng niềm tin mãnh liệt vào bản thân mình, bởi vì, “Niềm tin sẽ tạo lập hành vi và hành vi sẽ gieo nên kết quả” của các em!

Năm học mới đã chính thức bắt đầu. Bao điều tốt đẹp đang chờ đợi chúng ta ở phía trước và khó khăn cũng sẽ đến với chúng ta ở đâu đó phía trước. Tôi có niềm tin rằng Ban Lãnh đạo Nhà trường, đội ngũ cán bộ, giảng viên và toàn thể các em sinh viên luôn luôn mạnh mẽ, tự tin và sáng tạo, để Nhà trường có nhiều thay đổi, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của nước nhà.

(*) Tựa đề do Tòa soạn Báo Đồng Tháp đặt

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn