Đồng Tháp

Giáo dục - Đào tạo Đất Sen hồng đã và đang vươn ra biển lớn

Cập nhật ngày: 10/10/2018 13:54:36

Với quyết tâm cao nhất, lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, giáo viên (GV), học sinh (HS) Đồng Tháp đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).


Em Đỗ Hoàng Việt - học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu (phải) đạt Huy chương đồng Cuộc thi Olympic Toán quốc tế (IMO) năm 2018

Năm 2011 là năm đầu thực hiện nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội IX của tỉnh, chất lượng giáo dục (CLGD) chỉ nằm trong top trung bình của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tập thể Ban Giám đốc Sở GD&ĐT đã đặt chỉ tiêu đưa CLGD của tỉnh vươn lên top đứng đầu của khu vực. Quyết tâm chính trị về nâng cao CLGD đã lan tỏa trong toàn ngành và cả hệ thống chính trị. Công tác đào tạo, đào tạo bồi dưỡng HS giỏi được đổi mới toàn diện. Hội đồng bộ môn được củng cố, phát huy hiệu quả tích cực. Số lượng HS giỏi hàng năm đều tăng về số lượng và chất lượng. Thực hiện công tác bồi dưỡng HS giỏi một cách căn cơ và vững chắc, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã cử các đoàn đi học tập kinh nghiệm tại tỉnh bạn, các trường THPT trên cả nước; chủ động mời các chuyên gia về giảng dạy cho đội ngũ thầy, cô và HS, đưa GV dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn do Bộ GD&ĐT hoặc các trường đại học tổ chức...

Quan điểm đổi mới GD&ĐT được sự đồng thuận của xã hội và nhân dân. Các giải pháp tạo ra phong trào lan tỏa trong cán bộ quản lý, GV, HS, phụ huynh HS. Lãnh đạo ngành GD&ĐT đã chủ động mời Bộ GD&ĐT, các trường đại học tổ chức hội thảo, hội nghị giao lưu, câu lạc bộ, trại hè..., để GV và HS các tỉnh trong khu vực, toàn quốc có cơ hội và điều kiện giao lưu học tập, chia sẻ kinh nghiệm.

Cùng với 2 trường THPT chuyên: Nguyễn Quang Diêu, Nguyễn Đình Chiểu các trường THPT trong tỉnh trở thành nơi đào tạo nhân tài, mang về niềm vinh dự cho người dân Đồng Tháp. Mốc son cho thành quả ấy là kết quả đầy tự hào của em Đỗ Hoàng Việt - Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu, TP.Cao Lãnh với thành tích đạt Huy chương đồng Olympic Toán quốc tế 2018. Mốc son này khẳng định: giáo dục (GD) Đồng Tháp đã “vươn ra biển lớn”. CLGD đã được cải thiện; chương trình GD các cấp, bậc học được đổi mới theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Nhiều chỉ tiêu về GD&ĐT đạt và vượt, ngành GD của tỉnh nhiều năm liên tục được Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xếp trong nhóm dẫn đầu Khối thi đua các Sở GD&ĐT khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Huân chương Lao động hạng II.

Để “đổi mới nhận thức, phương thức lãnh đạo” trong duy trì và nâng cao CLGD, ngành GD tiếp tục quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Chương trình hành động số 188-CTr/TU về nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảng viên, GV và sự đồng thuận của xã hội. Nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện GD được lồng ghép, đưa vào tổng thể định hướng phát triển kinh tế - xã hội từ tỉnh, huyện đến xã; quan tâm, chú trọng CLGD mũi nhọn (bồi dưỡng HS giỏi, tỷ lệ HS đỗ vào đại học - cao đẳng...).

Các cấp ủy, chính quyền, ngành GD xác định những công việc cần tập trung thực hiện quyết liệt đến năm 2020. Chỉ đạo tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan, Đảng, Đoàn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngành đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tâm huyết với nghề. Tiếp tục thực hiện công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và phát triển đảng viên trong ngành, đáp ứng tiêu chuẩn để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong từng cơ sở GD.

Tăng cường kiểm tra, phát hiện chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tiêu cực, sai phạm hoạt động GD, gây bức xúc trong dư luận. Xây dựng, giới thiệu những mô hình mới, cách làm hay và hiệu quả trong việc phối hợp ba môi trường GD “nhà trường - gia đình - xã hội” để GD lý tưởng, nhân cách, kỹ năng sống cho HS, sinh viên, nhất là nhóm HS THPT và nghề.

Tham mưu UBND tỉnh tiếp tục điều chỉnh các hoạt động GD mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội và phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực địa phương; ưu tiên đầu tư phát triển một số ngành đào tạo chất lượng cao. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện đồng bộ phân cấp quản lý, hoàn thiện và triển khai cơ chế phối hợp giữa các ngành và địa phương trong quản lý nhà nước về GD theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền gắn với trách nhiệm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GD đi đôi với hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch, đảm bảo sự giám sát của cơ quan nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.

Thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác về GD&ĐT với các địa phương nước ngoài kết nghĩa, hợp tác với tỉnh Đồng Tháp. Tăng cường học tập kinh nghiệm quốc tế về áp dụng các mô hình GD&ĐT của các nước có nền GD tiên tiến. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trên lĩnh vực GD&ĐT, kêu gọi đầu tư hệ thống trường, lớp ngoài công lập, nhất là ở ngành học mầm non. Đẩy mạnh triển khai việc đầu tư cho GD bằng hình thức hợp tác công tư từng bước, tăng ngân sách GD&ĐT theo điều kiện thực tế của tỉnh.

Có thể khẳng định Đồng Tháp trong “khó khăn” đã tìm ra “cơ hội”. Cơ hội ấy đã khẳng định toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã chung tay “đổi mới nhận thức, phương thức lãnh đạo”, vận dụng “tài nguyên bản địa” để phát triển kinh tế - xã hội đặc trưng trên vùng Đất Sen hồng, tạo nên điểm sáng trong khu vực và cả nước. Trên quan điểm đó, GD&ĐT đã quán triệt đổi mới nhận thức, phương thức lãnh đạo thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT trong điều kiện khó khăn.

TS. HỒ VĂN THỐNG

(Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn