Nơi giúp trẻ khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng

Cập nhật ngày: 20/11/2017 11:28:24

ĐTO - Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật (NDTKT) Đồng Tháp thành lập năm 1993. Trải qua 24 năm hoạt động, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã tiếp nhận, hỗ trợ, giúp trẻ khuyết tật tự tin vươn lên trong cuộc sống, trong học tập, nhất là tạo cho các em những kỹ năng để hòa nhập cộng đồng.


Tiết học vẽ của học sinh khiếm thính tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Tháp

Từng là một trong những học sinh ưu tú của trường NDTKT Đồng Tháp, Trần Quốc Đạt (SN 1994) ngụ phường An Hòa, TP.Sa Đéc đang là thầy giáo dạy vẽ cho học sinh (HS) khuyết tật của trường. Đạt bị khiếm thính, được gia đình đưa vào học ở Trường NDTKH Đồng Tháp. Vào đây, Đạt không chỉ được các thầy cô dạy học chữ mà còn được dạy nghề. Nhờ sự tận tình, chỉ dẫn của các thầy cô, Đạt học hết chương trình lớp 9 và theo đuổi môn hội họa...

Hiện nay, Đạt đã mở được phòng tranh tại nhà, kiếm sống bằng nghề vẽ và bán tranh. Không dừng lại ở đó, thông qua vốn kiến thức tin học được học tại trường, Đạt lên internet, nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức, chất liệu mới về hội họa và liên kết, giới thiệu những tác phẩm tranh của mình để bán cho khách hàng. Công việc này, giúp Đạt có khoảng thu nhập khoảng 3 - 5 triệu đồng/tháng.

Cùng với Đạt, còn có Nguyễn Văn Trường (SN 1987) ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, Trường bị khiếm thính, được nhà trường nuôi dưỡng, giáo dục và dạy nghề. Đến nay, Nguyễn Văn Trường đang làm công tại Cơ sở Út Điện Cơ (phường 1,TP.Sa Đéc), với mức lương khá ổn định khoảng 5 triệu đồng/tháng, nhờ đó Trường có thêm thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Đây là 2 trong số rất nhiều trẻ khuyết tật được Trường NDTKT Đồng Tháp đào tạo các kỹ năng, kiến thức hòa nhập cộng đồng, làm chủ cuộc sống.

Hiện Trường NDTKT Đồng Tháp đang nuôi dạy 233 HS khuyết tật, từ lớp 1 đến lớp 9, HS của trường bị khiếm thính và khuyết tật trí tuệ. Vào trường, ngoài việc được học văn hóa, các em còn được dạy các kỹ năng sống, giao tiếp, học nghề phù hợp với khả năng của mình như: thêu, may, tin học, mỹ thuật, âm nhạc... Qua học tập và rèn luyện, nhiều em có thể phát triển ngôn ngữ, phục hồi dần các khiếm khuyết, từ đó sớm có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Em Nguyễn Quang Minh (13 tuổi), vào trường được 3 năm, Minh bị khuyết tật trí tuệ, đang học lớp 1.

Cô Ngô Ngọc Hạnh - Phó hiệu trưởng Trường NDTKT Đồng Tháp cho biết, khi mới vào trường, Minh rất rụt rè, ít nói, không tập trung... Được các giáo viên tận tình hướng dẫn, gợi mở, giúp đỡ, Minh từng bước khắc phục tính rụt rè, nhút nhát và trở nên hoạt bát tự tin trong giao tiếp với mọi người xung quanh. Điều đặc biệt là Minh có thể nhớ rất rõ: họ, tên, số xe, số điện thoại của tất cả giáo viên của trường. Để chứng minh điều này, cô Hạnh đã giới thiệu họ tên, nghề nghiệp và số điện thoại của tôi cho Minh, liền sau đó Minh đọc vanh vách không sai một chi tiết nào. Minh chia sẻ: “Ở đây được các thầy cô dạy học, dạy nghề mà còn chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, được vui chơi cùng các bạn, em thấy rất vui”.

Cô Hạnh cho biết thêm: “Để các em có thể làm quen với nề nếp, nội quy của nhà trường, chúng tôi luôn chú trọng công tác giáo dục cá nhân, hướng dẫn HS tự phục vụ bản thân. Song song đó, phải xây dựng môi trường học tập thân thiện. Đối với trẻ khuyết tật thì khả năng nhận thức, diễn đạt những ý nghĩ, mong muốn của trẻ rất hạn chế. Vì thế giáo viên phải thường xuyên quan tâm chăm sóc, trò chuyện, giúp đỡ trẻ ở mọi lúc mọi nơi, trong mọi hoạt động. Đặc biệt, để tạo cho trẻ sự tự tin, mạnh dạn hòa nhập và tham gia hoạt động với các bạn, giáo viên phải linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo, chu đáo và tỉ mỉ để phát hiện những khả năng tiềm ẩn và đáp ứng kịp thời những nhu cầu đòi hỏi của trẻ”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ảnh - Hiệu trưởng Trường NDTKT Đồng Tháp chia sẻ: “Trong quá trình giáo dục HS khuyết tật, khó khăn lớn nhất là phải hiểu được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các em. Phải biết các em thích gì, hiểu gì cũng như khả năng tiếp thu được gì... để nhà trường đưa ra những biện pháp giáo dục hiệu quả. Các em HS của trường bị khiếm thính hay khuyết tật trí tuệ, mỗi em có một hoàn cảnh, cá tính, sở thích khác nhau nên việc dạy dỗ, chăm sóc không hề đơn giản. Để hiểu các em, bản thân giáo viên phải học ngôn ngữ ký hiệu của trẻ khiếm thính. Chỉ thật sự có trách nhiệm, tâm huyết mới có thể gần gũi giúp các em hứng thú học tập, rèn luyện để có thể hòa nhập cộng đồng”.

Môi trường giáo dục có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện cho HS, nhất là HS khuyết tật. Khi môi trường giáo dục tốt sẽ giúp phát triển nhân cách, khơi dậy tiềm năng trong mỗi HS. Những năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên Trường NDTKT Đồng Tháp luôn phấn đấu, nỗ lực trong công tác nuôi dạy, tạo cơ hội cho nhiều HS khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng.

KIM NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn