Tăng cường quản lý, xử lý các vấn đề liên quan đến dạy thêm học thêm

Cập nhật ngày: 22/03/2019 14:47:13

ĐTO -Thực hiện Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành quy định về dạy thêm học thêm (DTHT), Quyết định số 02/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy định DTHT trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT đã triển khai, thực hiện các văn bản liên quan, đồng thời yêu cầu Hiệu trưởng các trường THPT, THCS xây dựng kế hoạch khảo sát, tổ chức, phối hợp kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh, ngăn ngừa việc DTHT sai quy định.

Vấn đề DTHT là nhu cầu xuất phát từ mong muốn của một số phụ huynh (PH), học sinh (HS) trước áp lực chương trình học có nhiều thay đổi. Bản thân PH ít có thời gian hướng dẫn việc học cho con, em; các em HS muốn củng cố, nâng cao những kiến thức cần thiết trong chương trình học. Từ nhu cầu của một bộ phận HS, PHHS, một số giáo viên (GV) có các hoạt động tổ chức DTHT với nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức dạy tập trung trong trường, dạy tại nhà GV...

Để quản lý DTHT, tránh dư luận không tốt và các vấn đề tiêu cực xoay quanh đạo đức nhà giáo, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản liên quan đến việc DTHT với những quy định chặt chẽ về cách thức tổ chức, trách nhiệm quản lý. Tuy nhiên trên thực tế, các hoạt động DTHT một số nơi vẫn xuất hiện những hình thức “biến tướng” gây tâm lý bức xúc cho PH, HS, làm ảnh hưởng đến hình ảnh cao quý của người GV. Từ thực tế, Sở GD&ĐT đã có giải pháp khảo sát, kiểm tra từng năm học tại các đơn vị, phối hợp kiểm tra, thanh tra đột xuất tại các địa phương, điểm DTHT theo quy định, theo sự phản ánh của dư luận...

Hoạt động khảo sát DTHT, mỗi đơn vị có ban khảo sát gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn, ban thanh tra nhân dân, một số GV, nhân viên có phẩm chất trung thực, không tham gia dạy thêm. Hoạt động khảo sát được tổ chức theo định kỳ hoặc đột xuất, kết quả khảo sát được thực hiện công khai, thông qua phiên họp hội đồng sư phạm liền kề, niêm yết thông tin, công bố trên website.

Đảm bảo quyền, lợi ích cho HS khi tham gia học thêm, các phiếu phỏng vấn cụ thể sẽ được phát cho HS Tiểu học, THCS, PHHS cấp Tiểu học, THCS. Nội dung các câu hỏi xoay quanh việc DTHT ngoài nhà trường như: GV lớp HS đang học có gợi ý HS phải đi học thêm không? Nếu có, HS vui lòng ghi rõ tên GV, địa chỉ, thời gian học (nếu có), có được học trước nội dung, chương trình trong lớp khi đi học thêm không? Số tiền phải nộp? Bài kiểm tra trên lớp có giống nội dung học thêm không? PHHS cũng tham gia khảo sát với các câu hỏi: PHHS có đồng ý cho con em đi học thêm? PHHS thấy việc đi học thêm là cần thiết hay không? Học phí môn học thêm cao nhất mỗi tháng là bao nhiêu tiền?... Tất cả các phiếu khảo sát dành cho HS, PHHS không phải ký tên. Sở GD&ĐT cũng đã ban hành quy định thời gian DTHT trong ngày: buổi sáng từ 7 giờ - 11 giờ, chiều từ 13 giờ 30 phút - 17 giờ, buổi tối từ 18 giờ - 20 giờ.

Sau khi thực hiện phỏng vấn, nhà trường sẽ kiểm tra, phối hợp kiểm tra, xác minh các thông tin thu thập; xem xét chuyển đổi công tác, đề xuất cấp trên chuyển đổi công tác đối với GV có khuyết điểm chưa đến mức xử lý kỷ luật; xem xét phân công dạy lớp khác hoặc nhiệm vụ khác trong đơn vị; đề xuất cấp trên chuyển công tác sang đơn vị khác. Tùy theo mức độ vi phạm sẽ xử lý hành chính, đề nghị xử phạt hành chính theo quy định trong lĩnh vực giáo dục. Với tinh thần cầu thị, Sở GD&ĐT đã quán triệt trong toàn ngành việc khảo sát, quản lý, xử lý các vấn đề liên quan đến DTHT, đồng thời chỉ đạo các đơn vị tuyên truyền, thông tin đầy đủ đến PHHS, toàn xã hội cùng với ngành giám sát, cung cấp thông tin các vấn đề liên quan đến DTHT. Sở GD&ĐT kiên quyết xử lý những cá nhân, tập thể có các hành vi vi phạm theo quy định của ngành.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn