Vì sao nhiều phụ huynh chưa gửi con vào các lớp bán trú?

Cập nhật ngày: 10/09/2014 05:27:10

Năm học 2014 - 2015, TP. Cao Lãnh thí điểm dạy bán trú ở 4 điểm trường tiểu học (TH): Lê Văn Tám, Lê Quí Đôn, Bùi Thị Xuân và Chu Văn An. Tổng số học sinh (HS) bốn trường là 4.186 em nhưng chỉ có 780 HS đăng ký học bán trú (18%). Vì vậy, dù dạy bán trú nhưng buổi trưa ở các điểm trường vẫn “đìu hiu”.


Giờ ăn của học sinh bán trú tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sự “đìu hiu” này do nhiều nguyên nhân ở cả hai phía phụ huynh và nhà trường. Về phía nhà trường, tuy đã nỗ lực chuẩn bị ngay từ đầu năm, nhưng do năm đầu thí điểm nên gặp không ít khó khăn về mặt tổ chức lẫn cơ sở vật chất. Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài Trường TH Lê Văn Tám có phòng ăn riêng cho HS, các trường còn lại vẫn chưa trang bị được. Còn về chỗ ngủ, các em đều ngủ tại phòng học, giáo viên kê bàn lại để các em nghỉ trưa. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các trường, thời gian tới sẽ cố gắng cải thiện lại cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu bán trú cho HS. Thầy Nguyễn Tấn Tài - Hiệu trưởng Trường TH Lê Văn Tám cho biết: “Theo số liệu đầu năm, trường có 308/1.352 HS đăng ký học bán trú. Công tác bán trú của trường đến thời điểm này đã ổn định và cũng nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh. Trường đã trình UBND thành phố xem xét, hỗ trợ xây dựng khu nhà nghỉ phục vụ nhu cầu bán trú cho HS (điều kiện về mặt bằng trường đã có sẵn). Trường sẽ nỗ lực làm tốt mô hình này để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và rèn luyện kỹ năng sống cho các em”.

Còn theo một số phụ huynh không đăng ký bán trú cho con là do gia đình khó khăn không có điều kiện để gởi. Chị Kim Phượng thợ may ở phường 4, có con gái đang học trường TH Bùi Thị Xuân chia sẻ: “Đôi khi may đồ gấp, tôi nhờ mấy phụ huynh gần nhà có con học chung lớp với con tôi cho quá giang. Khi trường mở lớp bán trú tôi cũng mừng trong bụng nhưng một ngày tôi kiếm được vài chục ngàn đồng, lo chi phí sinh hoạt hàng ngày đã khó, đâu có khả năng lo cho con học bán trú”.

Và nhiều phụ huynh khác mặc dù có nhu cầu gởi bán trú nhưng thấy các trường mới thực hiện nên không yên tâm. Chị Cao Thị Diệu ngụ phường 4 có con học ở Trường TH Lê Văn Tám cho biết: “Thấy con của mấy người bạn ở TP. Hồ Chí Minh học bán trú ngoan và biết tự lập tôi cũng ham. Tôi cũng định đăng ký cho con học nhưng thấy trường mới thực hiện không biết thế nào, để một thời gian nữa xem sao tôi mới yên tâm gởi”.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, số lượng HS đăng ký bán trú ít là do mô hình mới triển khai nên nhiều phụ huynh e ngại. Thực tế thì nhu cầu gửi con bán trú của phụ huynh là rất lớn, nhất là bậc học mầm non và tiểu học. Rất có thể sau thời gian các trường ổn định mô hình, số lượng HS đăng ký bán trú sẽ tăng lên. Để các trường thực hiện tốt công tác bán trú, tạo sự yên tâm cho phụ huynh, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo Phòng GD&ĐT TP. Cao Lãnh tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các trường về mọi mặt trong công tác bán trú, đồng thời trình UBND tỉnh xem xét đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu bán trú cho HS, không để tình trạng quá tải xảy ra.

Theo xu hướng hiện nay, nhu cầu gởi bán trú của các bậc phụ huynh HS ngày càng tăng. Hy vọng với những nỗ lực của ngành giáo dục tỉnh nói chung và TP. Cao Lãnh nói riêng, những hạn chế của mô hình dạy bán trú sớm được khắc phục để phụ huynh yên tâm gửi con vào học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HS cũng như chất lượng giáo dục của địa phương.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn