Bài học từ sự linh hoạt kết nối tiêu thụ nông sản

Cập nhật ngày: 06/01/2022 10:25:29

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220106102628dt2-6.mp3

ĐTO - Năm qua là 1 năm nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản của nông dân cả nước nói chung, Đồng Tháp nói riêng bởi những ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19. Song, nhờ một phần từ “cánh tay nối dài” của Sở Công Thương với đa dạng kênh phân phối, từ các điểm bán hàng lưu động, trang thương mại điện tử, sự hưởng ứng của đội ngũ cán bộ, công chức, người dân... nông sản của tỉnh đã được tiêu thụ khả quan trong thời gian qua...


Sở Công Thương và các ngành tỉnh hỗ trợ tiêu thụ bắp cho nông dân

Linh hoạt các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Nhắc lại câu chuyện tiêu thụ nông sản thời gian qua, gần 4 tháng thực hiện cao điểm phòng, chống dịch bệnh cũng là thời gian vô cùng khó khăn đối với người nông dân Đồng Tháp khi nhiều loại nông sản thu hoạch rộ với sản lượng lớn khó tiêu thụ ngay. Nhiều mặt hàng bị dồn ứ như: khoai lang, kiệu, nhãn, ếch... gặp khó khăn trong thu hoạch, lưu kho, tiêu thụ và xuất khẩu. Để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã (HTX), các cấp, ngành tỉnh, địa phương cùng vào cuộc quyết liệt để tìm đầu ra nông sản. Trong đó, Sở Công thương với vai trò là đầu tàu kết nối đã chủ động tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân.

Sở đã tham mưu Kế hoạch 214/KH-UBND khung tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Phương án đề ra các kịch bản tiêu thụ nông sản tương ứng với từng cấp độ dịch, kênh thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, Sở phối hợp các địa phương thường xuyên nắm tình hình sản lượng, thời gian thu hoạch, qui cách, tiêu chuẩn hàng hóa, nhu cầu kết nối tiêu thụ để phối hợp các sở, ngành, địa phương kết nối với các kênh phân phối, các đầu mối, doanh nghiệp tiêu thụ.

Có 2 hình thức tiêu thụ đối với các loại nông sản thời điểm giãn cách xã hội đó là: Với nông sản có quy mô sản xuất nhỏ và hộ gia đình, các địa phương thực hiện điều phối tới các chợ, cửa hàng tiện ích hoặc thông qua đội “Shipper áo xanh” đi chợ hộ cho người dân. Còn đối với lượng nông sản có quy mô sản xuất lớn hoặc đã đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân trên địa bàn, các địa phương báo cáo về Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ kết nối với các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các doanh nghiệp sản xuất, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh, các sàn thương mại điện tử...

Bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp chia sẻ, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, sự hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp, chỉ trong một thời gian ngắn, lượng nông sản được tiêu thụ khá lớn, trung bình mỗi ngày có khoảng 500 tấn nông, thủy sản được tiêu thụ. Cụ thể, từ ngày 27/7/2021 đến ngày 28/11/2021, Sở Công Thương đã phối hợp các sở, ngành, địa phương hỗ trợ tiêu thụ hơn 60.931 tấn nông sản, thủy sản các loại. Ngoài kết nối trực tiếp, Sở Công Thương còn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ kết nối đưa hàng hóa đặc sản của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử uy tín như Voso, Postmart, Lazada, Shopee, Sendo... Qua đó, giúp nông sản của Đồng Tháp đến gần hơn, nhanh hơn với người tiêu dùng trong nước.


Kết nối tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử Voso

Phát huy vai trò kết nối, tiêu thụ của các hợp tác xã

Một điểm mới đáng ghi nhận qua đợt dịch Covid-19 đó là nông dân, HTX đã thay đổi tư duy, chủ động sơ chế, đóng gói, bán hàng qua các kênh thương mại điện tử - một điều mà trong điều kiện bình thường trước đây chưa dám mạnh dạn để thực hiện. Đơn cử như nông dân xã Nhị Mỹ, trong khó khăn của dịch Covid, một số hộ nông dân nuôi ếch đã chủ động khởi nghiệp sơ chế đóng gói giao cho đối tác; hay HTX An Phú Thuận (huyện Châu Thành) đảm nhận luôn khâu thu hoạch, kiêm sơ chế, đóng thùng cho nhà vườn theo yêu cầu của phía đơn vị thu mua; HTX đặc sản Đồng Tháp đưa sản phẩm nông, đặc sản của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất của tỉnh giới thiệu và mua bán trên trang HTX.

Bà Bùi Thị Thanh Thủy - Giám đốc Hợp tác xã đặc sản Đồng Tháp chia sẻ, nhận thấy trong suốt thời gian địa phương thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại khó khăn nên các doanh nghiệp trẻ thống nhất thành lập “HTX đặc sản Đồng Tháp” nhằm chủ động tìm đầu ra cho nông sản tỉnh. Mặc dù ra đời chưa lâu nhưng HTX các đối tác lớn tin tưởng và kết nối khá hiệu quả. Cụ thể, đến nay HTX đã đưa hơn 320 sản phẩm nông, đặc sản của 60 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất của tỉnh được giới thiệu và mua bán trên trang htxdacsandongthap.com. “Thông qua những hiệu ứng tích cực này, sắp tới đây ngoài việc tiếp tục đổi mới phương thức bán hàng, HTX cũng sẽ hỗ trợ tập huấn thêm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa các cách thức đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử nhằm tập dần cho doanh nghiệp phương thức bán hàng mới, đồng thời cũng là kênh hiệu quả để đưa nông sản tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước”, bà Bùi Thị Thanh Thủy chia sẻ.


Sở Công Thương hỗ trợ tìm đối tác tiêu thụ khoai lang cho nông dân huyện Châu Thành

“Để tiếp tục phát huy tính chủ động, kết nối của nông dân, HTX trên địa bàn tỉnh, thời gian tới Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ, tập huấn cho các công ty, doanh nghiệp, HTX kỹ năng bán hàng online trên sàn thương mại điện tử, tạo cơ hội kết nối các công ty, doanh nghiệp, HTX và chủ thể OCOP tiếp cận người tiêu dùng thông qua các tiến bộ công nghệ số, tạo đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, Sở Công Thương và các ngành tỉnh sẽ tranh thủ tìm kiếm, kêu gọi doanh nghiệp đủ mạnh tham gia xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, nâng giá trị và xuất khẩu hàng hóa của tỉnh...”, bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp chia sẻ.

Dịch bệnh Covid-19 là câu chuyện chưa từng có tiền lệ và cách làm của tỉnh cũng là chuyện chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, với sự chủ động thích ứng cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, HTX trong giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản, Đồng Tháp đã từng bước vượt qua khó khăn và tạo tiền đề để các cơ quan quản lý rà soát lại các khâu, chuỗi phối hợp từ sản xuất, thu hoạch, thu mua, tiêu thụ đến vận chuyển của nông sản của tỉnh để nâng cao chuỗi giá trị. Cuộc chiến chống dịch gian nan và phức tạp nhưng với kết quả đạt được trong thời gian qua đã góp phần củng cố thêm niềm tin của người dân nhằm thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn