Cần hơn 136.500 tỉ đồng vốn đầu tư công khu vực Nam bộ

Cập nhật ngày: 03/09/2018 05:41:55

Ngày 31/8/2018, tại TP.Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị “Đánh giá giữa kỳ kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016- 2020 và xây dựng kế hoạch năm 2019 vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Ông Lê Quang Mạnh - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hội nghị.

Ông Nguyễn Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ kinh tế địa phương và lãnh thổ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng nhu cầu vốn được 19 địa phương vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ đề xuất thực hiện đầu tư công năm 2019 là 136.507,5 tỉ đồng, tăng 11,4% so với kế hoạch của năm 2018 và bằng 69% kế hoạch trung hạn còn lại của giai đoạn 2016-2020, tức bằng 69% tổng số vốn của năm 2019-2020.

Giai đoạn 2016-2020, vùng Đông Nam bộ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9,5%, kết quả thực hiện giai đoạn 2016-2018 đạt 7,1% với các địa phương đạt kết quả khá như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. GRDP bình quân đầu người thực hiện năm 2018 đạt 5.289 USD (mục tiêu năm 2020 là 6.400 USD).

Vùng ĐBSCL đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,6% và kết quả giai đoạn 2016-2018 đạt 7,5% với sự nổi trội của các địa phương như: Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang. GRDP bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 2.217 USD (mục tiêu năm 2020 là 2.750-2.850 USD).

Về phát triển kinh tế - xã hội, vùng ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng khá, ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, kết cấu hạ tầng có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống kết cấu hạ tầng đã có nhiều chuyển biến; các tỉnh trong vùng luôn có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Dù vậy, tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, thiếu tính bền vững, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân của cả nước; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn ở mức thấp cả về dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ 4/6 vùng của cả nước...Một số địa phương đề xuất vốn đầu tư công năm 2019 bằng hoặc đã vượt quá kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn còn lại (2019-2020) của giai đoạn 2016-2020 như: Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp.

Thứ trưởng Lê Quang Mạnh khẳng định, các địa phương cần nâng cao chất lượng công tác báo cáo liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, trên cơ sở thay đổi cách thức thu thập dữ liệu thông qua các công cụ điện tử và quy trình công nghệ hiện đại. Bộ đã trình Chính phủ xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về đầu tư công điện tử; chuẩn bị ký kết quy chế phối hợp với Bộ Tài chính để khai thác, cập nhật số liệu giải ngân từ ngành tài chính...

Tại hội nghị này, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thông tin về những nội dung cơ bản Luật Đầu tư công sửa đổi; những nội dung cơ bản, những việc cần phải làm liên quan Luật Quy hoạch; về lập kế hoạch trên hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước.

Nha Trang

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn