Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật và Hội Làm vườn

Chung tay bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật ngày: 01/10/2016 06:48:44

ĐTO - Được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của Đồng Tháp, những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao đời sống người dân ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, song song với nhịp độ phát triển thì tình trạng lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); xả thải trong chăn nuôi vẫn đang có nhiều tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và sức khỏe của cộng đồng.


Công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất trái cây an toàn được Hội làm vườn tỉnh Đồng Tháp thực hiện liên tục

Thời gian qua, việc lạm dụng nhiều thuốc BVTV, chất kích thích sinh trưởng, phân bón hóa học không đúng quy trình đã tác động đến các vi sinh vật, làm giảm sự đa dạng sinh học, tác động tiêu cực đến độ phì nhiêu của đất trồng. Mặt khác, sau khi sử dụng, các loại hóa chất này một phần bị rửa trôi, ô-xy hóa... gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, phần lớn các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay là hộ gia đình, quy mô đàn nhỏ lẻ, do thiếu kiến thức nên tình trạng xả thải bừa bãi vẫn còn tiếp diễn. Tình trạng này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống sinh hoạt của người dân vùng nông thôn.

Để giúp người dân vùng nông thôn hiểu hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay và hướng đến nền nông nghiệp bền vững, thời gian qua, Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp tốt với Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật (LHCH KHKT) Đồng Tháp trong việc tuyên truyền vận động, triển khai nhiều mô hình hay được đông đảo nông dân hưởng ứng. Cụ thể như áp dụng kỹ thuật dùng túi bao trái trên xoài; mô hình sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn; mô hình thu gom bao bì thuốc BVTV; phát triển Biogas theo định hướng thị trường... Bước đầu, công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật tạo được niềm tin đối với người nông dân, nhiều nông hộ đã ý thức và tự nguyện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tránh làm tác động tiêu cực đến môi trường.

Một trong những mô hình được HLV triển khai thời gian qua nhận được sự quan tâm của cộng đồng và góp phần giải quyết tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương là mô hình “Phát triển Biogas theo định hướng thị trường”. Với mô hình này, nhiều hộ chăn nuôi có hoàn cảnh khó khăn ở nông thôn có điều kiện tiếp cận với kỹ thuật xử lý chất thải theo công nghệ hiện đại. Việc áp dụng mô hình hầm biogas vào chăn nuôi không những mang lại hiệu quả cho người sử dụng mà còn bảo đảm vệ sinh môi trường. Việc ứng dụng công nghệ khí sinh học bằng cách xây dựng, lắp đặt hệ thống hầm biogas là giải pháp hữu hiệu đối với hộ sản xuất chăn nuôi, không chỉ đem lại lợi ích trước mắt mà còn góp phần cho ngành chăn nuôi phát triển lâu dài, bền vững.


Giải pháp lắp đặt hố biogas giúp hộ chăn nuôi giải quyết tốt bài toán về ô nhiễm môi trường

Ông Phạm Hữu Chí ở xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, phấn khởi cho biết: “Việc lắp đặt hố biogas bằng chất liệu composite khá đơn giản, tiện lợi, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của gia đình. Từ ngày có hệ thống xử lý chất thải này, hàng xóm không còn phàn nàn về mùi hôi do chất thải từ việc chăn nuôi heo, gia đình tôi lại có khoản tiết kiệm vì không tốn chi phí nhiên liệu gas để phục vụ nấu nướng như trước đây”.

Song song với công tác tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất theo mô hình thực hành nông nghiệp tốt, vấn đề xử lý các loại bao bì thuốc BVTV sau sử dụng cũng được HLV quan tâm vận động tuyên truyền. Hiện tại, nhiều nông dân dân rất ý thức và quan tâm đến vấn đề này.


Mô hình thu gom bao bì thuốc BVTV của nhà vườn ở xã Tân Thuận Tây

Nhà vườn Nguyễn Thanh Hải - hội viên HLV xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh chia sẻ: “Việc thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV và hạn chế lạm dụng phân, thuốc hóa học là giải pháp cần thiết để hướng đến nền nông nghiệp bền vững. Bởi những giải pháp này không những giúp cho trái cây sạch hơn, an toàn hơn mà ngay cả sức khỏe người sản xuất cũng được đảm bảo. Tuy nhiên, từ thực tế sản xuất của mình, tôi nhận thấy việc thu gom bao bì thuốc BVTV chỉ là giải pháp tạm thời giúp hạn chế ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, tôi nghĩ người nông dân cần sự giúp sức từ các ngành chức năng. Bởi giải pháp thiêu hủy hay chôn vùi vào đất vỏ bao bì thuốc BVTV mà chúng tôi đang thực hiện vẫn chưa thật sự đảm bảo quy trình xử lý chất thải độc hại”.

Ông Bùi Hữu Soi - Phó Chủ tịch LHCH KHKT tỉnh Đồng Tháp cho biết: Thời gian qua, LHCH KHKT phối hợp chặt chẽ với HLV tỉnh trong công tác vận động, tuyên truyền cho nông dân hiểu về sự cần thiết của việc sản xuất trái cây theo quy trình an toàn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo quy trình GAP, phối hợp triển khai hiệu quả mô hình Biogas ở các huyện, thị... Tuy nhiên, để hướng đến một nền nông nghiệp xanh, bền vững, các giải pháp trên cần được thực hiện đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong công tác chuyển giao, hướng dẫn những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho nông dân.

Nhận định sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, ông Lê Văn Tâm - Chủ tịch HLV tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến nền sản xuất nông nghiệp thì giải pháp giảm thiểu ô nhiễm cần được tập trung thực hiện. Bằng cách sử dụng lượng phân bón cân đối, phun xịt thuốc bảo vệ hợp lý, nhà vườn đã góp phần chung tay với cộng đồng bảo vệ môi trường. Thời gian tới, HLV sẽ tiếp tục tập trung nhiều giải pháp, giới thiệu các mô hình, kỹ thuật tiên tiến để nhà vườn áp dụng nhằm hạn chế tình trạng phụ thuộc và lạm dụng phân bón và thuốc BVTV như hiện nay”.

Trong tháng 9, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật phối hợp cùng UBND  huyện Lấp Vò, Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp tổ chức 3 lớp tập huấn về nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường, sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn cho hơn 250 học viên là nông dân, cán bộ, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp huyện Lấp Vò và huyện Thanh Bình.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn