Chương trình khuyến công “trợ lực” cho doanh nghiệp
Cập nhật ngày: 01/07/2016 13:53:13
ĐTO - Trung tâm Khuyến Công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) Đồng Tháp đã và đang tập trung nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác khuyến công ở địa phương. Đây được xem là nền tảng giúp nhiều doanh nghiệp tự tin, đẩy mạnh phát triển sản xuất, và góp phần giải quyết lao động.
Thương hiệu Việt vươn xa
Những ngày đầu mới thành lập Công ty TNHH MTV Bén Linh ở TP.Cao Lãnh, công ty chỉ có vỏn vẹn hơn chục công nhân. Nhưng sau khi được sự hỗ trợ của Trung tâm KC&TVPTCN, công ty đã đầu tư thêm nhiều thiết bị máy móc hiện đại, như: máy phay, máy dập... Nhờ đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, khép kín, Công ty Bén Linh tiết giảm được nhiều chi phí, chất lượng sản phẩm đồng đều, từ đó tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Công ty TNHH MTV Bén Linh tạo được việc làm cho nhiều lao động ở địa phương
Hiện tại, trung bình mỗi tháng, Công ty TNHH MTV Bén Linh sản xuất khoảng 30 ngàn thành phẩm. Sản phẩm của công ty cung cấp cho thị trường nội địa cũng như xuất khẩu sang một số quốc gia: Úc, Campuchia, Mỹ...
Theo chia sẻ của doanh nghiệp, với số lượng lao động và công suất sản xuất như hiện nay thì Công ty Bén Linh chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu thị trường. Vì vậy, sắp tới doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, tuyển thêm lao động để kịp thời đáp ứng yêu cầu thị trường.
Hiện, Công ty TNHH MTV Bén Linh đang giải quyết cho hơn 50 lao động thường xuyên có việc làm ổn định với mức thu nhập từ 3,5 - 7 triệu đồng/tháng. Dự kiến trong năm tới, doanh nghiệp sẽ nâng tổng số lao động lên 150 người.
Ông Nguyễn Văn Bén - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bén Linh, chia sẻ: “Khi bắt đầu khởi nghiệp, doanh nghiệp may mắn nhận được sự san sẻ khó khăn và giúp sức từ địa phương, vì vậy khi công ty phát triển ổn định, chúng tôi cũng mong muốn trao cơ hội đó đến cho người lao động. Đơn vị mong muốn được góp sức với địa phương nhằm tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động”.
Giải quyết việc làm
Với mong muốn khởi nghiệp từ tiềm năng và lợi thế của địa phương, ông Huỳnh Văn Hiệp - Ciám đốc Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp (huyện Châu Thành) quyết định chọn ngành sản xuất trái cây sấy khô để lập nghiệp.
Thời gian đầu do còn khó khăn về công nghệ máy móc, nên việc sản xuất cũng như tiếp cận thị trường của doanh nghiệp Nam Huy vẫn còn hạn chế. Ông Hiệp chia sẻ, mặc dù có nhiều lợi thế khi xưởng sản xuất nằm ngay vùng nguyên liệu, tuy nhiên là một doanh nghiệp tỉnh lẻ nên những ngày đầu khởi nghiệp Nam Huy gặp rất nhiều khó khăn.
Được sự tư vấn và hỗ trợ của Trung tâm KC&TVPTCN, công ty quyết định đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, giúp nâng hiệu suất sản xuất từ 20 tấn tăng lên 50 tấn thành phẩm/tháng. Nhờ đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại và khép kín nên các dòng sản phẩm của công ty giữ được hương vị tự nhiên, giá trị dinh dưỡng, tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Hiện, Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp cung cấp cho thị trường khoảng trên 12 dòng sản phẩm chính, gồm: chuối sấy, mít sấy, hạt sen sấy, củ sen sấy... Sản phẩm của Nam Huy có mặt khắp các tỉnh, thành trên cả nước và xuất khẩu sang một số quốc gia, như: Đài Loan, Singapore, Malaysia...
Hiện nay, Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp giải quyết việc làm cho khoảng 20 lao động thường xuyên, với mức thu nhập bình quân khoảng từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Với nghệ nhân Nguyễn Thị Đẹp - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Thảo Minh (huyện Thanh Bình) việc chọn vùng quê Thanh Bình để khởi nghiệp là một trong những tâm niệm lớn của cuộc đời chị. Khoảng thời điểm năm 2005, việc phát triển sản xuất hoa khô và nghề làm hoa khô nghệ thuật vẫn còn khá mới mẻ đối với người dân ở Thanh Bình. Vì vậy, thời gian đầu, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn.
Với sự giúp đỡ từ Trung tâm KC&TVPTCN trong việc hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn đã giúp cho doanh nghiệp có được đội ngũ lao động lành nghề. Chị Đẹp cho biết, sự hỗ trợ của Trung tâm KC&TVPTCN là nền tảng để doanh nghiệp có được những bước phát triển vững chắc sau này. Doanh nghiệp Thảo Minh đang góp phần giải quyết việc làm cho gần 100 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 1,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Những năm qua, hoạt động khuyến công góp phần đẩy mạnh nhịp độ phát triển công nghiệp nông thôn, đây là nền tảng để doanh nghiệp vừa và nhỏ mạnh dạn đầu tư phát triển, và giải quyết tốt việc làm cho người dân ở địa phương.
Mỹ Lý