Chuyển đổi giống cây trồng hiệu quả giúp nông dân tăng thu nhập

Cập nhật ngày: 26/05/2020 10:23:56

ĐTO - Đồng Tháp là một trong những tỉnh có lợi thế trong sản xuất lúa. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hàng năm, Đồng Tháp có khoảng 500.000ha diện tích đất gieo trồng lúa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lợi nhuận bà con nông dân đạt được trên một diện tích lúa là khá bấp bênh do nguồn cung vượt cầu, sự cạnh tranh gay gắt của các nước trên thị trường xuất khẩu gạo.


Ổi Đài Loan mang lại lợi nhuận cao cho nông dân

Trước thực tế trên, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh chủ động khảo sát thực tế sản xuất, khuyến khích nông dân giảm sản xuất lúa vụ hè thu sớm, chuyển sang trồng cây hoa màu có hiệu quả kinh tế cao. Giải pháp này nhằm cắt nguồn lây lan sâu bệnh từ vụ đông xuân sang vụ hè thu và giúp cải tạo đất. Mặt khác, xóa bỏ việc độc canh cây lúa, tăng thu nhập cho người dân từ các cây trồng hiệu quả khác...

Thực hiện khuyến cáo của ngành chức năng, thời gian qua, một số địa phương trong tỉnh thực hiện khá hiệu quả mô hình chuyển đổi cây trồng, xen canh, luân vụ giữa lúa với hoa màu. Cụ thể, tính từ năm 2017 đến nay, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là 27.800ha (chủ yếu trên đất 3 vụ và đất 2 vụ). Đa số các diện tích chuyển đổi lúa sang trồng bắp, mè, ớt, khoai lang, kiệu, sen, cây xoài, nhãn, cam, mít... Riêng vụ đông xuân 2019-2020, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác là 3.570 ha (cây ngắn ngày và cây lâu năm). Vụ hè thu 2020, toàn tỉnh đã xuống giống 12.300ha rau màu các loại. Trong đó, một số cây màu chịu hạn như mè, bắp, khoai lang... được ưu tiên phát triển.

Theo tính toán, bình quân 1ha hoa màu cho lợi nhuận tăng gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa. Chuyển đổi canh tác lúa sang trồng cây ăn trái sẽ cho lợi nhuận tăng gấp 3 – 8 lần so với trồng lúa.

Theo ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh, nhất là trong thời điểm khô hạn góp phần tiết kiệm nước tưới, cải tạo đất, cắt đứt dòng đời sâu bệnh trên lúa. Do đó, Sở NN&PTNT khuyến khích nông dân chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả hơn, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xóa bỏ việc độc canh cây lúa góp phần quan trọng thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.


Bình quân trồng 1ha bắp cho lợi nhuận tăng gấp 2 lần so với trồng lúa

Theo ông Huỳnh Tất Đạt, để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, hiện Sở NN&PTNT đang phối hợp với các huyện, thị, thành phố rà soát, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, Sở NN&PTNT còn tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 11/11/2019 của UBND tỉnh về phòng, chống hạn bảo vệ sản xuất năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời triển khai đến các địa phương rà soát các vùng sản xuất thường xuyên thiếu nước, khuyến khích sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây lúa và cây trồng cạn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn