Cơ hội cho nông dân Đồng Tháp tiếp cận thị trường TP.HCM

Cập nhật ngày: 07/04/2018 06:22:43

ĐTO - Sau chuyến đi tập huấn, tham quan thực tế và trao đổi thông tin tại thị trường TP.Hồ Chí Minh, bà con nông dân thuộc 40 hội quán, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trên địa bàn tỉnh được học tập kinh nghiệm, mở mang kiến thức để từ đây, người nông dân có thể áp dụng phương thức sản xuất mới, thay đổi cách tiếp cận thị trường.


Các chương trình, chuyên đề được tổ chức phù hợp với nhu cầu thực tế của nông dân Đồng Tháp. Ảnh: H.MINH

Đây là lần đầu tiên UBND tỉnh Đồng Tháp xúc tiến tổ chức hoạt động tham quan học hỏi kinh nghiệm tại TP.Hồ Chí Minh. Trong chương trình này, các Hội quán có sản phẩm đặc trưng được Ban tổ chức bố trí trưng bày giới thiệu các sản phẩm trong khuôn viên hội trường của Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn II như: xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt Lai Vung, sản phẩm từ bột Sa Đéc...

Trong chuỗi hoạt động lần này, bà con nông dân cũng có dịp gặp gỡ bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao tại chuyên đề “Một vòng thị trường nông sản nội địa và quốc tế”. Thông qua chuyên đề này, bà Vũ Kim Hạnh trình bày sơ nét về thực trạng nông nghiệp Việt Nam. Theo nhận định của bà Vũ Kim Hạnh, việc phát triển nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, với chi phí đầu vào cao, mà lại thiếu bóng dáng của công nghệ. Bên cạnh đó, nông sản chất lượng thấp, lại gặp phải tình trạng tổn thất sau thu hoạch cao, chất lượng thiếu đồng đều, vệ sinh an toàn thực phẩm kém, không tạo ra được giá trị gia tăng nhiều. Mặt khác, nền nông nghiệp Việt Nam còn đối diện với cảnh thiếu kho tồn trữ, công nghệ chế biến lạc hậu, nông sản chủ yếu xuất thô, giá trị gia tăng thấp...

Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, tỉnh Đồng Tháp nên có bộ phận chuyên theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin thị trường đối với những ngành hàng chính (cá tra, gạo, xoài...) của tỉnh để thông tin đến bà con nông dân, thành viên các Hội quán, HTX, THT để từ đó có định hướng, điều chỉnh quá trình sản xuất phù hợp.

Với chuyên đề “Vai trò của Hội quán trong phát triển cộng đồng và chuẩn bị các bước để phát triển mô hình HTX từ mô hình Hội quán”, Tiến sĩ Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã trình bày nhiều kiến thức về hội nhập cho nông dân.

Tiến sĩ Trần Minh Hải cho rằng, hiện nay, hội quán đóng vai trò là trung tâm, kết nối cộng đồng bên trong hội quán và bên ngoài xã hội. Cộng đồng bên ngoài đó là chính quyền địa phương các cấp, các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương, hay các cơ sở đào tạo và các tổ chức khác. Hội quán là nơi tập hợp, kết nối các thành viên, nêu lên tiếng nói của cộng đồng đến với ngành chức năng, nhờ sự hỗ trợ đó sẽ góp phần phát triển cộng đồng.

“Mô hình hội quán là cánh tay nối dài cho chính quyền tỉnh Đồng Tháp, để từ đó có những chính sách phát triển phù hợp, sát với nhu cầu thực tế của người dân. Song song với các tổ chức hội, đoàn thể khác, với khả năng kết nối rộng, đa lĩnh vực, hội quán là kênh kết nối, chia sẻ hiệu quả giúp bà con nông dân nâng cao đời sống, không chỉ trong một cộng đồng địa phương nhất định mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh về mức sống với các cộng đồng dân cư khác”- ông Hải nói thêm.

Không dừng lại ở các chuyên đề, dịp này, bà con nông dân còn được mở mang kiến thức khi tham dự hội thảo Kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp với hội quán, HTX. Nông dân Đồng Tháp đã được tiếp cận với hơn 20 doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh thuộc 3 nhóm ngành: thiết bị nông nghiệp công nghệ cao, thu mua nông sản và công nghệ thông minh đã thông tin về nhu cầu mua nông sản từ nông dân và giới thiệu các sản phẩm phục vụ nhu cầu của người nông dân.

Trong đó, có thể kể đến Công ty Sorimachi Việt Nam là đơn vị chuyên sản xuất thiết kế các phần mềm kế toán, bán hàng, tính lương, kế toán nông nghiệp, facefarm; Công ty TNHH Nông nghiệp và thực phẩm Nhà Bè giới thiệu sản phẩm Béc tưới phun mưa S2000, súng tưới bán kính lớn Ducar phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp; Công ty Cổ phần Komtek cung cấp dịch vụ tư vấn công nghệ, phát triển thị trường công nghệ; Công ty DMM Technologies cung cấp dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao; Công ty CM Engineering Việt Nam cung cấp các giải pháp hệ thống cho nông nghiệp thông minh, thủy sản thông minh, phần mềm quản lý doanh nghiệp từ xa...

Ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Công ty Cổ phần Nông trại Sinh thái (Ecofarm) cho biết: “Thời gian tới, công ty sẽ xây dựng khu trình diễn mô hình sản xuất, giới thiệu sản phẩm từ nông trại sinh thái, đồng thời mong muốn kết nối với các hội quán, HTX để cung ứng một số chế phẩm sinh học phục vụ trong sản xuất nông nghiệp”.

Là người rất quan tâm, theo dõi mô hình hội quán của Đồng Tháp ngay từ ngày đầu mới thành lập, Tiến sĩ Võ Mai – Phó Chủ tịch hội Làm vườn Việt Nam khẳng định, đây là mô hình mới và đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống người nông dân. Trong định hướng, đề nghị các cấp lãnh đạo tỉnh tiếp tục phát huy, phát triển tinh thần kinh tế hợp tác trong cộng đồng.

Tham gia chuyến đi này, ông Đặng Văn Những – Chủ nhiệm Tâm Quê Hội quán (TP.Cao Lãnh) cho biết: “Chuyến đi không chỉ giúp tôi và các anh em tích lũy nhiều kiến thức từ các chuyên gia. Mà đây còn là hoạt động kết nối cung cầu với các doanh nghiệp, sản phẩm xoài của hội quán sẽ có nhiều đơn hàng tại các chợ đầu mối, siêu thị trong thời gian tới”.

Luôn theo dõi từng bước phát triển của mô hình hội quán, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng: “Việc kết nối doanh nghiệp và các HTX, hội quán nông dân là hết sức cần thiết nhằm tháo gỡ điểm nghẽn thị trường, hàng hóa dư thừa trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, phương châm sản xuất chất lượng, an toàn thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu. Nếu người sản xuất làm tốt điều này, thì không cần phải đi tìm người mua, mà ngược lại người mua sẽ đi tìm người bán.

Bí thư cũng đề nghị các hội quán và HTX phải tận dụng thời cơ, phát huy tinh thần học tập suốt đời của Bác, bởi cái chúng ta chưa biết nhiều hơn cái đã biết. Muốn biết thì phải học hỏi, tập hợp kiến thức, có kiến thức thì cùng nhau thay đổi, phát triển bền vững. Trong chuyến đi lần này, bà con nông dân Đồng Tháp còn có cơ hội tham quan Công ty TNHH Good Life (huyện Củ Chi); Đại siêu thị Aeon Mall Tân Phú Celadon (quận Tân Phú)...

Hoài Minh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn