Công nghiệp nông thôn “cất cánh” từ chương trình hỗ trợ khuyến công

Cập nhật ngày: 15/10/2018 14:53:26

ĐTO - Thời gian qua, Trung tâm Khuyến Công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC&TVPTCN) Đồng Tháp đã có chương trình hoạt động thiết thực góp phần tạo động lực giúp cho doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp thành công.


Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức đã giúp cho sản phẩm của các cơ sở, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với người tiêu dùng. 
Ảnh: Nhật Khánh

Những năm gần đây, số lượng DN thành lập mới của tỉnh khá nhiều đã góp phần tạo động lực cho địa phương phát triển. Tuy nhiên, để trụ vững và an toàn vượt qua khó khăn trong buổi đầu khởi nghiệp, DN rất cần đến sự hỗ trợ và trợ lực từ địa phương.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, TTKC&TVPTCN đã tiến hành hướng dẫn, lập 9 đề án cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trong đợt 1, với tổng kinh phí được UBND tỉnh phê duyệt là 1.525 triệu đồng. Các dự án được hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất gạch không nung, dây chuyền đóng gói tự động trong sản xuất phân bón; máy móc thiết bị tiên tiến sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ...

Hiện TTKC&TVPTCN cũng lập danh sách và chọn lựa các cơ sở, DN để tiến hành xét hỗ trợ trong đợt 2 năm 2018; dự kiến sẽ hỗ trợ cho 11 đơn vị DN trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh việc hỗ trợ thiết bị máy móc tiên tiến, thông qua nhiều chương trình xúc tiến thương mại, thời gian qua, các chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã giúp cho nhiều sản phẩm của địa phương có cơ hội tiếp cận với những thị trường mới.

Là một trong những cơ sở còn khá mới trong lĩnh vực sản xuất cá khô, buổi đầu khởi nghiệp của Cơ sở cá - khô Tiến Phương, huyện Hồng Ngự cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, sau khi được TTKC&TVPTCN tư vấn và hỗ trợ thiết bị máy móc tiên tiến vào sản xuất cá khô đã giúp cho cơ sở phát triển sản xuất thuận lợi hơn.

Anh Nguyễn Tiến Phương chủ cơ sở chia sẻ: “Nếu không có sự hỗ trợ từ TTKC&TVPTCN có lẽ đến thời điểm này công việc kinh doanh của tôi chỉ lẩn quẩn ở cái “ao làng”. Nhờ được hỗ trợ máy móc hiện đại, sản phẩm của cơ sở được đầu tư, sản xuất chuyên nghiệp hơn. Thông qua các lần hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại, sản phẩm bản địa được nhiều khách hàng biết tới, từ đó góp phần giúp giải quyết đầu ra ổn định cho nhiều loại thủy sản thế mạnh của quê hương”. Năm 2018, sản phẩm Khô cá Tiến Phương vinh dự được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực.

Cũng là một DN mới và khởi nghiệp với sản phẩm café phin giấy, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hải HAMI, TP.Cao Lãnh đã có những bước khởi đầu thuận lợi nhờ sự giúp sức từ TTKC&TVPTCN. Anh Trần Văn Hải - Giám đốc công ty chia sẻ: “Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại do TTKC&TVPTCN tổ chức, đơn vị có điều kiện tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng, từ đó có những điều chỉnh trong sản xuất để sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhờ được hỗ trợ đầu tư máy móc phù hợp mà tình hình sản xuất của đơn vị ổn định, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường”.

Ông Mai Văn Đối - Giám đốc TTKC&TVPTCN Đồng Tháp cho biết: “Nhằm khuyến khích công nghiệp nông thôn phát triển, trong năm 2019, chính sách hỗ trợ hoạt động khuyến công sẽ có nhiều thay đổi. Trong đó, việc tăng mức hỗ trợ cho các dự án đầu tư dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị tiên tiến, hỗ trợ mô hình trình diễn, show room trưng bày sản phẩm cho DN hứa hẹn sẽ là động lực để công nghiệp tỉnh nhà có thể “vươn mình” hơn nữa.

Thời gian tới, TTKC&TVPTCN sẽ dành nhiều dự án hỗ trợ máy móc thiết bị cho các DN sản xuất và chế biến sâu đối với các mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh. Vì chỉ có chế biến sâu thì mới có thể mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn cho kinh tế địa phương”.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn