Đặc sản địa phương rộn ràng mùa sản xuất Tết
Cập nhật ngày: 22/01/2016 12:53:51
Thời điểm hiện tại, các cơ sở, doanh nghiệp chuyên chế biến đặc sản địa phương trong tỉnh Đồng Tháp đang tất bật sản xuất phục vụ thị trường Tết. Lượng hàng đặc sản cung ứng ra thị trường năm nay không giảm dù kinh tế vẫn còn gặp khó khăn.
.JPG)
Mùa Tết tại làng sản xuất hủ tiếu Sa Đéc
Sản phẩm từ các cơ sở sản xuất hủ tiếu, nem, bì mắm... phần nào thay đổi từ thủ công sang sử dụng máy móc, công cụ hiện đại nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống. Đây là một trong những thế mạnh của các sản phẩm địa phương nên vẫn tiêu thụ tốt trên thị trường dù chịu sự cạnh tranh gay gắt. Do giá cả thị trường năm nay bình ổn nên nhiều mặt hàng chỉ tăng nhẹ so với năm trước.
Hủ tiếu Sa Đéc nhộn nhịp mùa Tết
Không khí sản xuất tại làng sản xuất hủ tiếu Sa Đéc những ngày này nhộn nhịp hơn hẳn. Ông Nguyễn Viết Em ngụ ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc cho biết: “Ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, tôi cùng các thành viên trong gia đình bắt tay vào làm hủ tiếu chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán. Để sản xuất kịp Tết, gia đình tôi phải dậy từ sáng sớm. Với lượng bột khoảng 1,2 – 1,3 tấn, mỗi ngày cơ sở sản xuất hơn 1 tấn hủ tiếu (bột lọc) cung ứng cho thị trường, tăng gấp 2 lần so với ngày thường. Dù khách đặt hàng năm nay có phần giảm hơn các năm trước nhưng lượng hàng gia đình sản xuất mỗi ngày vẫn không thay đổi”.
Theo nhiều hộ sản xuất hủ tiếu, sức tiêu thụ mặt hàng này của thị trường vẫn ổn định dù lượng đơn đặt hàng có phần giảm khoảng 5% so với năm trước. Do giá nguyên liệu chính là bột ổn định nên giá bán sỉ hủ tiếu vẫn giữ mức bình ổn.
Dịp Tết, mỗi hộ có thể cung ứng khoảng hơn 20 tấn hủ tiếu ra thị trường, tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Với giá bán dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg hủ tiếu (tùy loại), người sản xuất thu lãi khoảng 10 - 20%/kg.
.JPG)
Nem Lai Vung là đặc sản Tết được nhiều nơi ưa chuộng
Đặc sản nem Lai Vung, bì mắm Lấp Vò hối hả sản xuất
Ngoài hủ tiếu thì đặc sản nem, bì cũng đang vào mùa cao điểm sản xuất hàng Tết. Tuy chịu sự cạnh tranh khá khốc liệt của các sản phẩm cùng loại trên thị trường nhưng sản phẩm từ làng nghề luôn giữ được hương vị truyền thống thu hút khách hàng.
Cô Nguyễn Thị Ngân - chủ cơ sở Nem Út Thẳng thuộc ấp Long Thành A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung chia sẻ: “Năm nay, việc sản xuất Tết khởi động từ giữa tháng 11 âm lịch. Gần Tết, các sản phẩm nem bán chạy hơn ngày thường gấp 3 - 4 lần, tương đương với 7.000 - 10.000 chiếc/ngày; con số này sẽ tăng lên vào dịp cận Tết. Để sản xuất đủ lượng nem cung cấp cho khách hàng, cơ sở phải tăng thêm số lượng công nhân, trang bị thêm máy móc phục vụ sản xuất. Ngoài ra, do nhu cầu tiêu thụ không ngừng tăng nên các sản phẩm nem của cơ sở luôn nâng cao chất lượng để đáp ứng”.
Theo nhiều chủ cơ sở nem thuộc địa bàn huyện Lai Vung, năm nay, giá nguyên liệu đầu vào không tăng khiến người sản xuất yên tâm hơn. Hiện tại, nem có giá khoảng 25.000 - 40.000 đồng/chục (tùy loại); bì 25.000 đồng/chục; chả lụa, patê giò thủ 140.000 đồng/kg. Với giá này cơ sở còn lời khoảng 20%/sản phẩm.
.JPG)
Bì mắm Đông Nguyên tất bật chuẩn bị hàng Tết
Huyện Lấp Vò những năm gần đây được nhiều người biết đến bởi mặt hàng đặc sản bì mắm. Dịp Tết, khách từ khắp nơi lại tìm món đặc sản này về sử dụng và làm quà biếu tăng lên gấp 5 – 6 lần so với ngày thường. Tại Cơ sở sản xuất bì mắm Đông Nguyên thuộc ấp Bình Thạnh, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, không khí sản xuất đang tăng tốc với các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, phụ phẩm và sơ chế pha trộn để phục vụ sản xuất. Ông Nguyễn Phú Cường - chủ Cơ sở sản xuất bì mắm Đông Nguyên cho biết: “Cơ sở sản xuất phục vụ khách hàng quanh năm nhưng vào dịp Tết lượng đặt hàng khoảng 2.000 – 3.000 chiếc mỗi ngày. Cơ sở phải sản xuất hết công suất mới đủ hàng cung ứng cho thị trường. Năm nay, giá nguyên liệu đầu vào không tăng nên sản phẩm bì mắm của cơ sở vẫn giữ mức 22.000 đồng/chiếc (140gr)”.
Nhật Khánh