Định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long bền vững dựa trên ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường

Cập nhật ngày: 25/11/2020 05:26:48

Vừa qua, tại Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Hội thảo tham vấn về “Định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chủ trì hội thảo, cùng với sự tham dự của các bộ, ngành, chuyên gia từ 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng phát biểu tại hội thảo

Hội thảo bàn về 4 vấn đề lớn là: Nhận diện các vấn đề và đề xuất giải pháp đối với sụt lún đất đai tại vùng ĐBSCL; Định hướng phát triển hệ thống đô thị vùng ĐBSCL; Định hướng phát triển và kết nối mạng lưới giao thông các tỉnh trong vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ĐBSCL trước các thách thức biến đổi khí hậu, phát triển thượng lưu, sụt lún đất và định hướng giải pháp thích ứng.

Theo ông Ian Hamilton - chuyên gia đánh giá biến đổi khí hậu (đại diện Royal Haskoning DHV) đề xuất thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Theo đó, vùng ĐBSCL sẽ lấy chất lượng, thu nhập, lợi nhuận, ổn định làm những chỉ tiêu chính, thay vì chạy theo số lượng. Theo định hướng phát triển tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp vùng, đầu tiên sẽ giảm diện tích trồng lúa nhưng phải nâng cao hiệu quả. Cụ thể về quy mô, giảm diện tích trồng lúa đến năm 2030 tổng diện tích trồng lúa tại ĐBSCL khoảng 1,42 triệu ha và còn 1,36 triệu ha vào năm 2050. Khung định hướng còn đề xuất thành lập 8 trung tâm đầu mối là nơi tập trung tất cả những sản phẩm dịch vụ của cụm ngành nông nghiệp, được vận hành bởi tổ chức riêng biệt. Trong đó, Đồng Tháp sẽ đảm nhiệm chức năng chính là trung tâm đầu mối trái cây, hoa, rau, cây cảnh và thủy sản nước ngọt; là vùng nguyên liệu ổn định tại chỗ. Vị trí được đề xuất là khu vực xung quanh Khu công nghiệp Trần Quốc Toản, TP.Cao Lãnh. Giao thông kết nối chính là đường thủy nội địa và đường bộ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng đánh giá cao các nội dung trình bày của các chuyên gia và cho rằng, đây là lần đầu tiên ĐBSCL có quy hoạch đa ngành ở cấp khu vực. Quy hoạch lần này thực hiện theo các định hướng chiến lược của Nghị quyết 120 nên sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề nội tại của ĐBSCL. Quan điểm tiếp cận với phân vùng theo dự thảo quy hoạch (3 vùng: ngọt, lợ, mặn so với cách chia trước đây là vùng ngọt và vùng mặn) là vấn đề hoàn toàn mới và thích nghi với điều kiện diễn biến mới về môi trường và biến đổi khí hậu của vùng. Đây là tư duy tiếp cận quan điểm mới, đảm bảo thích nghi với điều kiện môi trường ngày càng cực đoan (thiên tai, tác động của khai thác thủy văn thượng nguồn...).

Hiện nay, quy hoạch đã hình thành và đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, dự kiến báo cáo trình hội đồng thẩm định quy hoạch vùng trong tháng 12/2020 và trình Thủ tướng phê duyệt vào cuối tháng 12/2020.

Nguyệt Đỗ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn