Doanh nghiệp tập trung sản xuất sau đại dịch Covid-19

Cập nhật ngày: 16/05/2020 03:58:32

ĐTO - Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hầu như các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) tỉnh nhà rơi vào tình trạng “đóng băng”. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, các DN trên địa bàn tỉnh bắt đầu thực hiện nhiều giải pháp để khôi phục kinh tế và đặt nhiều kỳ vọng tạo sự bứt phá trong những tháng cuối năm 2020.


Ngành sản xuất và chế biến cá tra chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19

Nền kinh tế bị ảnh hưởng sau đại dịch Covid – 19

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế của tỉnh Đồng Tháp khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy hoàn toàn. Chịu tác động nặng nề nhất là các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của tỉnh như may mặc, giày da; gạo và thủy sản chế biến.

Cá tra là một trong những ngành hàng mũi nhọn của tỉnh Đồng Tháp chịu tác động nặng nề nhất do dịch Covid-19. Từ khoảng tháng 4/2019 đến nay, giá cá tra nguyên liệu liên tục xuống thấp khiến cho nhiều hộ chăn nuôi cá tra phải chịu thua lỗ trung bình từ 3.600 - 4.000 đồng/kg.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, với giá bán thấp hơn giá thành sản xuất như hiện nay, chỉ tính riêng trong quý I năm 2020, người nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh phải chịu thua lỗ khoảng 285 – 316 tỷ đồng. Theo dự báo, tình hình sản xuất và chế biến cá tra xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong quý II, bởi thời gian này Đồng Tháp sẽ có thêm khoảng 115.000 tấn cá tra đến kỳ thu hoạch. Trong khi tình hình xuất khẩu chưa khởi sắc, dự trữ hàng hóa tại các kho lạnh của DN gần hết công suất. Hiện nay, tổng lượng tồn của ngành chế biến cá tra tăng cao lên đến 40.000 tấn (tương đương với sản lượng xuất của quý I năm trước). Doanh thu sụt giảm từ 20 - 40% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo UBND tỉnh, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu ngành du lịch của tỉnh giảm hơn 51% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay toàn tỉnh có gần 4.000 DN đang hoạt động, chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ. Trước tác động của dịch Covid-19, các DN đều giảm doanh thu, hoạt động cầm chừng, nguồn cung nguyên vật liệu bị gián đoạn. Một số DN phải đóng cửa, tạm ngừng sản xuất, lao động mất việc làm. Theo thống kê, toàn tỉnh có 138 DN và 465/74.000 hộ kinh doanh đăng ký giải thể và tạm ngưng hoạt động. Qua khảo sát, đến nay có khoảng 60 DN đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid 19, trong đó có 10 DN tạm ngừng sản xuất.

Bên cạnh đó, nhiều nhà máy bị gián đoạn sản xuất, giao thương bị đình trệ, dịch vụ ngừng hoạt động, du lịch đóng cửa, đời sống người dân khó khăn, nhất là lực lượng lao động làm thuê, có thu nhập và tích lũy thấp. Tính từ ngày 1/1/2020 đến nay, đã có gần 39.000 lao động bị ảnh hưởng.

Doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng tăng trưởng vào cuối năm

Mặc dù trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với công tác kiểm soát tốt dịch Covid-19, sự chủ động của cộng đồng DN sẽ nắm bắt được các cơ hội khi tái sản xuất kinh doanh. Chia sẻ về vấn đề “tìm cơ trong nguy” đối với ngành chế biến thủy sản xuất khẩu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với DN vào cuối tuần vừa qua, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho rằng, với những quyết sách và phương châm chống dịch hiệu quả của Chính phủ, đảm bảo công tác an sinh xã hội và phát triển kinh tế đã phát huy tác dụng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, các tập đoàn nhập khẩu-bán lẻ với thủy sản Việt Nam gia tăng đáng kể sau dịch Covid-19. Ngoài ra, các quốc gia sản xuất thủy sản cạnh tranh chính với Việt Nam phải phong tỏa cách ly chống dịch, vì vậy sản lượng sản xuất và xuất khẩu giảm đáng kể. Đây được xem là cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam.

Chia sẻ về giải pháp khôi phục lại thị trường xuất khẩu cá tra tại hội nghị “Bàn về tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra trong bối cảnh Covid-19” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, với thị trường Trung Quốc, Mỹ, nhà hàng, khách sạn là kênh phân phối chiếm đến khoảng 70% sản lượng cá tra Việt Nam. Riêng thị trường EU, kênh siêu thị chiếm tỷ trọng lớn hơn. Vì vậy, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, DN cần cân bằng lại kênh phân phối giữa siêu thị và kênh nhà hàng. Đối với việc mở rộng thị trường, Bộ NN&PTNT cần mở rộng thị trường tiêu thụ cho cá tra Việt Nam và chú trọng tháo gỡ khó khăn với những thị trường đã được định hình.

Mặc dù tình hình dịch Covid – 19 tại một số nước Châu Âu vẫn còn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nhưng Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi (TP.Sa Đéc) đã chủ động đề ra những chiến lược và đặt nhiều kỳ vọng về sự phục hồi nhanh thị trường ở khối liên minh Châu Âu.

Ông Phạm Thanh Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi bày tỏ: “Hiện DN chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực về con người, cơ sở vật chất để bắt đầu sản xuất hết công suất khi thị trường xuất khẩu được kết nối lại. Trong tương lai gần, khi Châu Âu kiểm soát tốt dịch Covid-19 và Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và Châu Âu có hiệu lực, tôi nghĩ những tháng cuối năm, Bích Chi có khả năng đạt tăng trưởng tốt. Bên cạnh việc kỳ vọng sự phục hồi của các thị trường truyền thống, DN Bích Chi đang thực hiện kế hoạch mở rộng xuất khẩu sang thị trường mới, khu vực Châu Phi...”.

Sau thời gian khó khăn trong việc xuất khẩu, bắt đầu từ tháng 4 vừa qua, hoạt động xuất khẩu nông sản được kết nối lại phần nào giúp cho các DN xuất khẩu nông sản giảm bớt áp lực. Bà Đinh Kim Nhung - Giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp cho biết: “Bắt đầu từ tháng 4, các thị trường xuất khẩu xoài truyền thống của DN như Mỹ, Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc... bắt đầu đặt hàng trở lại. Mặc dù hoạt động giao thương được kết nối trở lại nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chi phí logistic tăng rất nhiều so với thời điểm trước dịch bùng phát toàn cầu. Đây là một trong những khó khăn lớn của DN khi hoạt động kinh doanh trở lại. So với cùng kỳ năm qua, sản lượng xuất khẩu của đơn vị giảm đáng kể nhưng trong tình cảnh khó khăn chung mà hàng hóa vẫn được xuất khẩu là DN rất phấn khởi. Nhờ hoạt động xuất khẩu được trở lại bình thường nên giá xoài đã tăng mạnh trở lại. Đây được xem là tín hiệu khởi sắc tốt sau thời gian dài hoạt động mua bán ngưng trệ do dịch Covid-19”.

Với những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 đến nền kinh tế, trong thời gian tới, cộng đồng DN của tỉnh nhà sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, với sự đồng lòng vượt khó, chủ động tìm cơ hội, hy vọng cộng đồng DN tỉnh nhà sẽ bứt phá trong những tháng cuối năm.

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn