Huyện Thanh Bình

Dự án khu nông nghiệp công nghệ cao - Hướng đi triển vọng

Cập nhật ngày: 07/10/2015 12:41:56

Xác định cây màu là một trong những thế mạnh kinh tế, thời gian qua, huyện Thanh Bình thực hiện nhiều chương trình, dự án, mời gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển cho vùng chuyên canh màu ở các xã cù lao. Việc chính thức đưa vào hoạt động khu nông nghiệp công nghệ cao với quy mô 8,4ha ở xã Tân Thạnh, hứa hẹn mở ra nhiều triển vọng mới cho nền sản xuất nông nghiệp địa phương.


Ớt giống được sản xuất tại khu nông nghiệp công nghệ cao

Ông Nguyễn Văn Thật - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình cho biết: “Với chức năng chính là sản xuất giống cây màu theo quy trình công nghệ cao phục vụ cho vùng màu chuyên canh của huyện; thực hiện các mô hình trình diễn và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân; liên kết tiêu thụ nông sản..., Dự án Nông nghiệp công nghệ cao do Công ty Cổ phần nông trại sinh thái Ecofarm làm chủ đầu tư sẽ mở ra nhiều triển vọng mới cho sản xuất cây màu trên địa bàn huyện Thanh Bình. Qua đây, người nông dân có điều kiện tiếp cận với kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hiện đại, giúp tăng lợi nhuận và chủ động hơn trong sản xuất trước bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay”.

Theo phân tích của Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Ba - giảng viên Trường Đại học Cần Thơ: “Thời gian qua, việc sản xuất giống rau của tỉnh Đồng Tháp, cụ thể là cây ớt giống ở huyện Thanh Bình vẫn còn nhiều hạn chế. Bởi vì khi nông dân sản xuất theo kỹ thuật truyền thống với quy mô nhỏ lẻ sẽ rất khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng ở lứa tuổi cây con. Bên cạnh đó, nếu nông dân sử dụng nguồn cây giống không tốt không những làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn tăng chi phí đầu tư, giảm lợi nhuận của người sản xuất. Khi tăng chi phí đầu tư cũng đồng nghĩa với ảnh hưởng môi trường sinh thái do sử dụng nhiều loại phân, thuốc hóa học làm bạc màu tầng đất canh tác”.

Cũng theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Ba, nếu sản xuất cây giống theo quy trình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của Ecofarm sẽ giúp khắc phục được các yếu tố bất lợi của môi trường, đặc biệt trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như mưa bão, khô hạn thất thường, dịch hại bộc phát do sản xuất thâm canh. Việc sản xuất giống với quy mô lớn, với chất lượng giống đồng nhất sẽ giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất, giúp ngành nông nghiệp huyện Thanh Bình an tâm hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm đặc thù của địa phương, giúp doanh nghiệp mạnh dạn ký kết hợp đồng xuất khẩu và đầu tư công nghệ sấy hay chế biến đa dạng sản phẩm từ ớt.

Ông Trần Văn Sơn - Giám đốc Công ty Cổ phần nông trại sinh thái Ecofarm Đồng Tháp cho biết: “Sau khi hoàn thiện một số hạng mục, dự kiến trung bình mỗi năm đơn vị có thể cung cấp cho nông dân trên 15 triệu cây giống. Bên cạnh việc sản xuất giống cung cấp cho nông dân ở vùng màu, công ty cũng hướng đến sản xuất một số loại nông sản có giá trị kinh tế cao trong khu nhà kính như: dưa lưới, dưa lê, khoai môn... Ngoài ra, chúng tôi sẽ thực hiện nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao kỹ thuật canh tác cho nông dân. Thông qua dự án này, Ecofarm mong muốn giúp người nông dân ứng dụng các khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng cơ giới hóa với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp”.

Ngoài mảng hoạt động chính là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Ecofarm cũng là một trong những doanh nghiệp sớm gắn bó trong việc thực hiện liên kết tiêu thụ cho vùng bắp lai nguyên liệu của huyện Thanh Bình. Năm 2014, doanh nghiệp ký kết tiêu thụ 50ha bắp lai cho nông dân ở các xã cù lao, năm 2015 đơn vị mở rộng diện tích liên kết khoảng 80ha. Dự kiến năm 2016, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng liên kết tiêu thụ bắp lai cho nông dân ở huyện Thanh Bình và huyện Tam Nông.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn