Dù gặp nhiều khó khăn, kinh tế nông nghiệp vẫn đạt kết quả khả quan

Cập nhật ngày: 05/11/2020 05:02:20

* PV: Dịch Covid -19 đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực. Vậy xin ông cho biết đối với kinh tế nông nghiệp của tỉnh ta bị ảnh hưởng của đại dịch này như thế nào và những ngành hàng nào gặp khó khăn nhất?


Ông Nguyễn Phước Thiện – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp

- Ông Nguyễn Phước Thiện (N.P.T.): Dịch Covid – 19 đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, trong đó kinh tế nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng nhiều do nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm, xuất khẩu gặp khó khăn, kéo theo giá bán một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản giảm so với cùng kỳ như: sản phẩm hoa màu, cây ăn trái, thủy sản... ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất của người dân, đặc biệt đã ảnh hưởng lớn đến ngành hàng xuất khẩu cá tra, cây ăn trái, nhất là xoài. Hiện nay, giá bán cá tra nguyên liệu luôn ở mức thấp, dao động từ 18.000 -18.500 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ khoảng 5.300 đồng/kg và thấp hơn giá thành sản xuất 3.600-4.000 đồng/kg. Do bị thua lỗ và dự báo trong thời gian tới vẫn gặp khó khăn nên sau khi thu hoạch, người nuôi thả giống lại mang tính chất thăm dò, mật độ thưa và cho ăn cầm chừng, kéo theo nhu cầu giống giảm, ảnh hưởng đến nghề ương cá tra giống của địa phương.

Đối với xoài, thời điểm thu hoạch rộ vụ xoài chính vụ năm 2020 trùng vào cao điểm bùng phát dịch Covid, các nước nhập khẩu hạn chế hoạt động thương mại qua biên giới, dẫn đến cung vượt cầu, kéo theo giá bán giảm như: xoài cát Chu giảm 2.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc giảm 18.000 đồng/kg, xoài tượng da xanh giảm 18.000 đồng/kg so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid.

* PV: Trong tình hình khó khăn chung do biến đổi khí hậu, dịch Covid-19, dịch tả heo châu Phi... thì toàn ngành nông nghiệp tỉnh đã có những ứng phó gì và đạt kết quả như thế nào trong những tháng đầu năm 2020?

- Ông N.P.T.: Ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành và địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Chẳng hạn, chủ động giám sát địa bàn, thực hiện tốt giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, phòng, chống thiên tai và thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo phục vụ sản xuất; tập trung triển khai nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác tiên tiến nhằm giảm giá thành sản xuất như: VietGAP, IPM, SRP, 3G3T, 1P5G..., hình thành các chuỗi liên kết nông sản bền vững, xây dựng mã vùng trồng,... Ngành tiếp tục hướng dẫn các địa phương tái đàn heo đảm bảo an toàn sinh học. Theo đó, chú trọng khuyến cáo người chăn nuôi chủ động phát triển nguồn con giống đang có tại địa phương, cụ thể là phát triển đàn heo nái nền tại địa phương, chọn lọc những con heo tốt giữ lại làm giống.

Chúng tôi tuyên truyền nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất thông qua triển khai quy định về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thủy sản, các rào cản, quy chuẩn kỹ thuật của các nước nhập khẩu nông sản của tỉnh, thông tin kịp thời để người sản xuất nắm, điều chỉnh hoạt động sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; từng bước xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị ngành hàng bằng việc tổ chức các cuộc tọa đàm phát triển liên kết các chuỗi ngành hàng sen, khoai lang, cây ăn trái..., xây dựng chuỗi giá trị hoa kiểng như thực hiện mô hình dùng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học cho bonsai, kết nối doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác, Hội quán, nông dân tại các địa phương: TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc, các huyện Lấp Vò, Lai Vung, Cao Lãnh để liên kết tiêu thụ cho dịp Tết Nguyên đán và liên kết lâu dài với doanh nghiệp.

Ngành cũng rất quan tâm củng cố, phát triển kinh tế tập thể gắn với xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP; phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường khuyến cáo, chuyển giao quy trình sản xuất rải vụ, giãn vụ đối với cây ăn trái và thả nuôi với mật độ thưa đối với cá tra góp phần giảm áp lực cho nhà máy chế biến và đầu mối tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.

Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nên ước giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (giá so sánh năm 2010) 9 tháng đầu năm đạt 34.831 tỷ đồng, bằng 99% so với cùng kỳ. Ước đến cuối năm giá trị sản xuất toàn ngành đạt 43.939 tỷ đồng, tăng 1.854 tỷ đồng so với năm 2019, ước giá trị tăng thêm đạt 19.089 tỷ đồng (tăng 2,12% so với năm 2019). Giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo ước cuối năm đạt 16.249 tỷ đồng (tăng 5,1% so với cùng kỳ, tương đương 789 tỷ đồng). Ngành hàng hoa kiểng tiếp tục phát triển gắn với các mô hình du lịch cộng đồng, ước cả năm giá trị sản xuất đạt 4.140 tỷ đồng (tăng 1,8% so với năm 2019, tương đương 73 tỷ đồng). Tổng giá trị ngành hàng xoài ước cả năm đạt 1.899 tỷ đồng (tăng 11,2% so với cùng kỳ, tương đương 192 tỷ đồng). Ngành hàng vịt bước đầu đã ký kết hợp tác với Công ty CP Ba Huân nhằm xúc tiến tổ chức hỗ trợ xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa người dân với doanh nghiệp, ước cả năm giá trị sản xuất ngành hàng vịt đạt 592 tỷ đồng (giảm 16% so với cùng kỳ, tương đương giảm 112 tỷ đồng). Uớc giá trị sản xuất ngành thủy sản cả năm đạt 12.127 tỷ đồng (tăng 3,9% so với cùng kỳ, tương đương 456 tỷ đồng)...

* PV: Lũ năm nay được nhận định thấp hơn trung bình nhiều năm. Ngành nông nghiệp có những giải pháp gì trong sản xuất lúa, hoa màu, thủy sản...cho những tháng tới?

- Ông N.P.T.: Sau khi lũ đạt đỉnh tại các nơi sẽ rút nhanh dần trong tháng 11 và 12/2020. Trong những tháng mùa khô 2020 – 2021, mực nước tại các nơi trong tỉnh được nhận định ở mức xấp xỉ và thấp hơn mùa khô năm 2019 - 2020 khoảng từ 0,1 - 0,2m và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 0,1 - 0,3m.

Với tình hình lũ hiện nay, việc thiếu hụt nguồn nước ngọt và lượng phù sa từ sông Mê Kông đổ về dẫn tới tỉnh Đồng Tháp có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, môi trường suy thoái; nguồn thủy sản tự nhiên bị giảm sút đáng kể, đe dọa sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân địa phương. Để chủ động trong việc sử dụng nguồn nước có hiệu quả cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp. Đối với giải pháp phi công trình, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu, mực nước, rà soát, kiểm tra các công trình kênh mương, cống đập để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả bảo vệ sản xuất; tăng cường các biện pháp quản lý công trình thủy lợi theo phân cấp; quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nước để cung cấp, phân phối nước hợp lý, hiệu quả; chủ động bố trí lịch bơm tưới, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến - tiết kiệm hiệu quả. Ngành phối hợp rà soát các vùng sản xuất, khuyến cáo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đối với các vùng có khó khăn về nguồn nước, các địa phương hướng dẫn người dân chuyển từ trồng lúa sang trồng một số loại cây hoa màu thích hợp; khuyến cáo sử dụng giống lúa ngắn ngày, giống chịu hạn phù hợp với điều kiện từng vùng, địa phương.

Còn giải pháp công trình, toàn tỉnh Đồng Tháp có 833 công trình kênh trục, kênh dẫn cấp II, III, IV với chiều dài 4.073km. Hệ thống điều tiết có 2.616 cống các loại và 1.219 trạm bơm điện. Hệ thống thủy lợi này được duy tu nạo vét hàng năm nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong mùa khô. Về lâu dài, Sở đang nghiên cứu đề xuất với UBND tỉnh xây dựng hệ thống hồ chứa với mục đích trữ nước trong mùa lũ để sử dụng trong mùa khô.

* PV: Xin cám ơn ông!

Thành Nam (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn