Đưa vùng biên phát triển

Cập nhật ngày: 28/03/2016 13:36:59

Đề án phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự 8 xã biên giới được xem là mũi đột phá mang tính toàn diện đối với các xã vùng biên của tỉnh. Qua 1 năm thực hiện, diện mạo các xã biên giới của tỉnh có bước khởi sắc.


Hàng hóa lưu thông tại cửa khẩu quốc tế Dinh Bà

Thay đổi diện mạo 8 xã vùng biên

Theo nhận định của ông Nguyễn Hùng Tráng - Chủ tịch UBND TX.Hồng Ngự, từ việc đầu tư đồng bộ của đề án đã đưa diện mạo các xã vùng biên khởi sắc. Việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng được xem là yếu tố quan trọng để đánh thức sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng biên, đáp ứng nhu cầu làm ăn sinh sống của bà con nơi đây. Năm qua, các địa phương đã hoàn thành 45 công trình đường giao thông nông thôn. Đường tuần tra biên giới được xây dựng với 3 đoạn, tuyến, đạt khoảng 50% khối lượng, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2016. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi, công trình điện, cấp nước và vệ sinh môi trường, trường học được nâng cấp, xây dựng mới. Đến nay, 100% xã biên giới đều có đường ô tô đến trung tâm xã, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,4%, hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 94,7%, 100% trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia.

Năm qua, sản lượng lúa cả năm của các xã đạt 265.000 tấn. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển, đã thành lập 3 trang trại nuôi bò và 1 tổ hợp tác nuôi bò tại xã Tân Hộ Cơ. Nhiều mô hình phát triển kinh tế được hình thành như mô hình nuôi lươn, tôm càng xanh góp phần thay đổi đời sống người dân vùng biên giới.

Công tác tạo việc làm, giảm nghèo luôn được quan tâm. Năm 2015, các địa phương giải quyết việc làm cho 16.000 lao động bằng nhiều hình thức đào tạo. Các xã biên giới thực hiện đồng bộ có hiệu quả chính sách giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo 8 xã biên giới giảm bình quân 3,02%, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/năm.

Với tiềm năng vốn có của khu vực biên giới, tỉnh đã đầu tư phát triển hệ thống cửa khẩu, thúc đẩy hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu. Kim ngạch xuất khẩu trong năm 2015 đạt khoảng 160 triệu USD, thu thuế biên mậu hàng năm đạt gần 7 tỷ đồng.

Từ lợi thế của khu vực, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, góp phần tạo đòn bẩy để doanh nghiệp tìm đến đầu tư tại các địa phương này, dù số lượng chưa nhiều. Đơn cử như Công ty TNHH Thực phẩm sạch Hồng Ngự đầu tư Dự án lò giết mổ gia súc tập trung đi vào hoạt động ổn định với công suất thiết kế 100- 200 con/ca; Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Hàng Việt đầu tư dự án nhà máy sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại cụm 4 tuyến dân cư 1-4 Tân Thành – Lò Gạch, góp phần tạo việc làm ổn định cho người dân.  

Cần khai thác và lấp đầy

Dù đạt được kết quả bước đầu nhưng nhiều địa phương cho rằng, đến nay việc khai thác thế mạnh vốn có của vùng biên vẫn chưa tương xứng. Đặc biệt là 2 cửa khẩu quốc tế Dinh Bà và Thường Phước, hầu như chỉ có trao đổi mua bán của cư dân 2 bên biên giới. Trong khi so sánh với các tỉnh có cửa khẩu, sự nhộn nhịp mua bán, phát triển kinh tế biên mậu và dịch vụ biên khá sung túc. Đây cũng là một trong những vấn đề được các địa phương quan tâm đề nghị tỉnh có sự hỗ trợ để phát huy lợi thế này. Theo ông Nguyễn Hùng Tráng, tỉnh cần xem xét để kiến nghị Trung ương đầu tư cửa khẩu Mộc Rá thành cửa khẩu chính kết hợp với một số công trình nhất định sẽ rút ngắn được 30km từ TX.Hồng Ngự đi Phnôm-Pênh. Từ đó sẽ tiến tới khai thác làm du lịch giúp nâng đời sống người dân.

Đối với các xã biên giới, hầu như nông nghiệp là thế mạnh nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, đây cũng là một trong những khó khăn để phát triển bền vững. Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương khu vực biên giới cần quan tâm xây dựng mô hình phát triển kinh tế tiềm năng gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; sản xuất gắn với thị trường để mang lại những giá trị mới, tạo sức bật cho kinh tế địa phương phát triển.

Nhiều ý kiến của các địa phương cho rằng, việc nâng cao thu nhập cho người dân là vấn đề bứt thiết. “Bởi hiện nay sức hút khu vực biên giới đối với doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Huyện chưa có khu cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa thật phát triển để giải quyết việc làm tốt nhất cho người dân”, ông Nguyễn Trạng Sư - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự cho biết.

Ông Bùi Thành Nhơn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho rằng, để giải tỏa “cơn khát” việc làm, nâng cao thu nhập thì việc đưa lao động đi nước ngoài sẽ là giải pháp giúp người dân biên giới việc thoát nghèo. Qua thống kê cho thấy tỷ lệ người dân đi lao động nước ngoài của các xã biên giới hiện còn khá khiêm tốn, chỉ vài chục người.

Ngoài ra, để có nhiều kênh chọn lựa trong giải quyết việc làm, các địa phương khu vực biên giới cũng đề nghị UBND tỉnh tạo thuận lợi hơn nữa để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ phụ thuộc rất nhiều về đầu tư hạ tầng hợp lý, cơ chế đặc thù để tạo sức hút với doanh nghiệp.

Đề án phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự 8 xã biên giới được triển khai thực hiện tại các xã: Bình Thạnh, Tân Hội (TX.Hồng Ngự); Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B, Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự); Bình Phú, Tân Hộ Cơ, Thông Bình (huyện Tân Hồng).  

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn