Giải bài toán đầu ra cho bột cặn tại Làng bột Sa Đéc

Cập nhật ngày: 19/09/2019 10:24:22

Trước đây, bột cặn (bột ba) vốn là nguồn phụ phẩm trong quá trình sản xuất bột sẽ được tận dụng để chăn nuôi heo. Thế nhưng từ khi dịch tả heo Châu Phi xuất hiện, trên 85% tổng đàn heo của TP.Sa Đéc bị tiêu hủy đã khiến không ít người làm bột trăn trở vì lượng bột cặn dư thừa, ế ẩm, thậm chí là bị chất đống, vứt xuống sông gây ô nhiễm môi trường. Khoảng 1 tháng trở lại đây, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp phối hợp Phòng Kinh tế TP.Sa Đéc xây dựng mô hình điểm máy sấy bột dùng điện và năng lượng mặt trời tại hộ anh Nguyễn Trúc Duy (ấp Phú An, xã Tân Phú Đông), bước đầu mang lại hiệu quả, giải quyết đầu ra ổn định cho bột cặn tại Làng bột Sa Đéc.


Anh Nguyễn Trúc Duy thăm mẻ bột cặn đang sấy

Khoảng hơn 9 giờ mỗi ngày, lượng bột cặn của các hộ sản xuất bột sẽ được anh Duy thu gom về đưa vào máy sấy khô. Hệ thống máy sấy gồm những tấm cách âm, cách nhiệt để giữ độ nóng bên trong luôn ở mức 450C, phía trên là những tấm năng lượng mặt trời để sử dụng trong những ngày nắng, riêng những ngày mưa và ban đêm, hệ thống sẽ chuyển qua sử dụng điện, bên trong là 7 khung đứng với khoảng 300 khay bột. Trong vòng 24 giờ, cứ 2,5 tấn bột cặn ướt sẽ cho ra 1,3 tấn bột cặn khô.

Để quá trình sấy được nhanh hơn và nâng giá trị bột sau sấy, anh Duy còn đầu tư thêm máy ép tơi và thổi mịn bột khô. Số bột cặn mịn sấy khô này sẽ được anh Duy bán trực tiếp cho các thương lái ở TP.Hồ Chí Minh, Cà Mau và TP.Sa Đéc để chế biến thức ăn cho gia súc. Anh Duy phấn khởi cho biết: “Lúc đầu bột cặn phơi khô bán ra có 2.000 đồng/kg, bây giờ được 3.000 đồng/kg rồi”.

Là một cơ sở sản xuất bột với năng suất khoảng 500 tấn gạo tấm mỗi ngày nên lượng bột cặn của Công ty TNHH Bột lọc Tài Dương của anh Phạm Công Lý ở ấp Phú An, xã Tân Phú Đông tương đối lớn, từ 500kg đến 1 tấn. Từ khi biết anh Duy trang bị hệ thống máy sấy, lượng bột cặn mỗi ngày của công ty được bán lại cho anh Duy để sấy khô. Thấy được tiềm năng của hệ thống máy sấy bột cặn, anh Lý đang chuẩn bị địa điểm để được nhận chi phí hỗ trợ đầu tư máy sấy nhằm cải thiện thêm thu nhập từ việc bán bột cặn sấy khô.

Từ sau dịch tả heo Châu Phi, người làm bột tại Làng bột Sa Đéc có cơ hội nhìn nhận và từng bước thay đổi tập quán sản xuất để đáp ứng nhu cầu của tình hình mới, đó là sản xuất bột không nhất thiết phải gắn với nuôi heo để giảm ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả bấp bênh và ô nhiễm môi trường.

Ông Đỗ Văn Thậm - Trưởng Phòng Kinh tế TP.Sa Đéc cho biết: “Hướng tới, Phòng Kinh tế sẽ tham mưu UBND thành phố cùng với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục nhân rộng mô hình đầu tư nhà máy sấy bột cặn sử dụng năng lượng mặt trời cho nhiều cơ sở sản xuất khác có nhu cầu và có điều kiện đảm bảo để giúp người sản xuất bột có lời và không phải lệ thuộc vào chăn nuôi heo, đồng thời tăng cường công tác xúc tiến, giới thiệu sản phẩm bột cặn này cho các doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản để kết nối nguồn đảm bảo tiêu thụ ổn định lâu dài với giá cả hợp lý”.

Cùng với sự hỗ trợ hệ thống máy sấy bột cặn, để giải quyết căn cơ tình trạng ô nhiễm môi trường, TP.Sa Đéc cũng sẽ hỗ trợ người dân xây dựng và nhân rộng mô hình điểm kết hợp tham quan du lịch. Khi đó, người sản xuất bột và chế biến sản phẩm từ bột sẽ bán được sản phẩm tại chỗ và làm được dịch vụ du lịch, thu nhập được cải thiện hơn, làng bột sẽ phát triển ổn định bền vững theo mục tiêu của Đề án phát triển làng bột đến năm 2020 và định hướng năm 2030.

Trúc Nguyên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn