Hiệu quả bước đầu từ phần mềm Quản lý cây lúa

Cập nhật ngày: 04/04/2016 12:48:38

Giảm chi phí trong sản xuất lúa là yếu tố quan trọng mang lại lợi nhuận cho nông dân. Chính vì vậy, trong vụ lúa thu đông 2015, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Đồng Tháp phối hợp với Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long thực hiện thí nghiệm đánh giá hiệu quả mô hình canh tác lúa làm theo khuyến cáo qua phần mềm Quản lý cây lúa, đến nay đã thu được nhiều kết quả khả quan.


Cán bộ khuyến nông thường xuyên thăm đồng để đưa ra khuyến cáo cho nông dân tham gia mô hình

Phần mềm Quản lý cây lúa do Viện nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) phát triển từng được chạy thử nghiệm và phát hành tại Philippines, Indonesia và Bangladesh... Hiện nay, phần mềm này đang được nghiên cứu để phát triển tại Việt Nam. Tại tỉnh Đồng Tháp, phần mềm Quản lý cây lúa được triển khai thí điểm tại 3 huyện: Lấp Vò, Thanh Bình và Cao Lãnh.

Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, phần mềm Quản lý cây lúa được thiết kế cho cán bộ khuyến nông thu thập thông tin từ nông dân, sau đó cung cấp cho họ nội dung hướng dẫn về cách bón phân cụ thể theo từng địa phương, giống lúa, năng suất, điều kiện canh tác. Ứng dụng này là tiến bộ mới trong công nghệ thông tin nhằm cung cấp cho nông dân sản xuất nhỏ kiến thức cần thiết và sản phẩm dịch vụ sản xuất nông nghiệp.

Nông dân khi tham gia mô hình được tập huấn hướng dẫn thao tác sử dụng sổ tay ghi chép tình hình sản xuất lúa, nắm vững những yêu cầu thực hiện mô hình. Đặc biệt, nông dân phải tuân thủ đúng như bản in khuyến cáo về lượng giống gieo, thời kỳ và liều lượng phân bón... Hàng tuần, nông dân cùng với cán bộ khuyến nông thăm đồng ghi nhận những nội dung đã thực hiện và so sánh sinh trưởng giữa ruộng thí nghiệm và đối chứng.

Nhiều dẫn chứng cho thấy, việc phòng trừ sâu, bệnh bằng biện pháp hóa học trong một thời gian dài sẽ gây ra nhiều tác hại, vì khi nông dân muốn đạt được hiệu quả trừ sâu, bệnh hàng năm cần phải tăng nồng độ thuốc. Sau thời gian lâu dài, sâu, bệnh trở nên quen thuốc và sẽ kháng thuốc. Mặt khác, khi nông dân muốn tiêu diệt được sâu bệnh phải tăng liều hoặc thay đổi các loại thuốc có nồng độ cao hơn sẽ rất tốn kém và ảnh hưởng đến môi trường. Không những thế, sử dụng nhiều thuốc trừ sâu trên đồng ruộng dẫn đến mất cân bằng sinh thái, đó là chuỗi mắt xích liên quan giữa cây trồng, sâu hại và thiên địch.

Trên thực tế, những cánh đồng được chọn thí điểm phần mềm Quản lý cây lúa bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Nhờ đó, nông dân biết thực hiện các biện pháp quản lý theo nguyên tắc cân bằng hệ sinh thái, giảm thiểu tối đa sử dụng chất hóa học vào đồng ruộng, giúp tăng hiệu quả kinh tế.

Là một trong những hộ tham gia mô hình thí điểm phần mềm Quản lý cây lúa, ông Phạm Thắng Thời ngụ ấp Tân An, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò cho biết: “Những năm gần đây, năng suất và giá thành lúa rất bấp bênh nên nông dân chỉ có thể giảm chi phí sản xuất để tăng lợi nhuận. Cây lúa trong quá trình sinh trưởng sẽ đẻ lá và đẻ nhánh lại nên mình cũng không ngại sâu cuốn lá hay bù lạch tấn công. Từ lúc làm đồng trở đi, nông dân chỉ cần theo dõi đồng ruộng xem có loại dịch hại lạ nào tấn công để tính cách phòng trị. Nếu từ đầu đến cuối vụ, sử dụng ít thuốc sâu, lượng thiên địch phát triển tốt thì đủ để tiêu diệt các loại sâu rầy. Nhờ vậy mà chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận tăng lên”.

Phần mềm Quản lý cây lúa là một chương trình tiến bộ hiện nay, dựa trên mối quan hệ của các quy luật sinh thái đồng ruộng, góp phần mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Ông Lê Văn Sơn ngụ ấp Bình Hiệp A, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò chia sẻ: “Theo qui trình sản xuất truyền thống, việc sử dụng giống, phân bón chủ yếu qua kinh nghiệm chứ không có sự tính toán kỹ lưỡng. Qua tham khảo, tôi thấy phần mềm Quản lý cây lúa thật sự hữu ích. Thực tế, khi tham gia mô hình, được cán bộ khuyến nông hỗ trợ về cách sử dụng giống, phân bón, điều chỉnh lượng nước ngập khô xen kẽ trong vụ sản xuất. Kết quả cho thấy cây lúa phát triển khá đồng đều, lượng sâu bệnh cũng giảm đi nhiều, năng suất từng vụ khá ổn định. Quan trọng hơn hết là giá thành sản xuất giảm hơn 10%”.

Phấn khởi với những hiệu quả bước đầu của mô hình thí điểm, ông Nguyễn Thanh Giang ngụ ấp Bình Hiệp B, xã Bình Thạnh Trung tâm sự: “Tôi và các hộ được tham gia mô hình thí điểm rất phấn khởi vì mô hình mang lại lợi ích tốt cho đồng ruộng. Tôi sẽ cố gắng truyền đạt những kiến thức trong quá trình canh tác cho bà con ở trong vùng để hạn chế thấp nhất vấn đề lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm đi lượng phân bón, tăng lợi nhuận, nâng cao năng suất”.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn