Hiệu quả các dự án nông nghiệp bền vững

Cập nhật ngày: 24/06/2021 10:35:55

Biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên đất, nước, tập quán canh tác manh mún nhỏ lẻ của nông dân đã khiến cho nền nông nghiệp các địa phương chưa thực sự phát huy vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Do vậy, những Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai thời gian qua đã góp phần hiệu quả trong tái cơ cấu lại nông nghiệp, tăng cường năng lực thể chế của ngành, đổi mới phương thức canh tác và nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.


Canh tác lúa hữu cơ trong Dự án WB9 mang lại hiệu quả cho người dân

Đồng Tháp được xem là vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng đứng thứ 3 cả nước, là địa phương tiên phong trong thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp với những cách làm bài bản, sáng tạo. Trong đó, việc vận dụng hiệu quả các nguồn lực từ dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (Dự án VnSAT) và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu (Dự án WB9) được địa phương chú trọng. Qua hơn 5 năm triển khai, nhiều mô hình nông nghiệp mới đã được ứng dụng. Kết cấu hạ tầng trên lĩnh vực nông nghiệp từng bước đồng bộ từ nguồn kinh phí của trên đầu tư gần 1 ngàn tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn IDA, ODA và vốn đối ứng của 2 Dự án VnSAT và WB9.

Từ năm 2016, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) ở Đồng Tháp được triển khai trên địa bàn 6 huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông, Tháp Mười, Cao Lãnh với tổng diện tích gần 31.800ha của trên 21.200 hộ dân, từng bước giúp nông dân định hình lại sản xuất, tăng cường ứng dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” vào sản xuất. Đây được xem là bước đi đúng hướng cho chủ trương “giảm chi phí, tăng chất lượng” theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay. Bởi thông qua các lớp tập huấn, mô hình canh tác tiên tiến, nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, chú trọng giảm lượng giống gieo sạ còn 90 – 100kg/1ha, giảm 2 – 3 lần phun thuốc, tiết kiệm chi phí 2 – 3 triệu đồng/ha/vụ.

Với lợi thế khu vực đầu nguồn, bên cạnh việc định hướng cho nông dân chuyển đổi tư duy sản xuất trong canh lúa, những năm gần đây, tận dụng lợi thế mùa lũ, người dân các địa phương đầu nguồn huyện Hồng Ngự, TP.Hồng Ngự đã mạnh dạn áp dụng các mô hình luân canh lúa - cá, lúa – tôm... theo Dự án phát triển sinh kế bền vững vùng Đồng Tháp Mười. Dự án giúp cho người dân vùng ngập lũ tăng vụ sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập trên cùng diện tích. Anh Huỳnh Văn Kiểm, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự cho biết: “Tôi canh tác theo mô hình WB9 lúa – cá được 10ha. Chính quyền địa phương và cấp trên tạo điều kiện về vốn, kỹ thuật. Tôi canh tác lúa hữu cơ bao tiêu với công ty, đồng thời nuôi thả cá và trữ cá đồng từ tự nhiên. Vụ vừa qua, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng, cao hơn bên ngoài 300 triệu đồng”.

Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hồng Ngự: “Khi kết thúc Dự án ở năm 2022, nông dân sẽ nắm được quy trình kỹ thuật, từ đó áp dụng trên đồng ruộng mình cho những vụ tiếp theo. Mô hình tiến tới giảm phân, thuốc hóa học vừa giảm chi phí, vừa bảo vệ môi trường”.

Từ những Dự án nông nghiệp bền vững đã giúp nông dân định hình tư duy kinh tế nông nghiệp, hình thành những vùng nguyên liệu tập trung chất lượng cao và liên kết tiêu thụ. Đặc biệt, những quy trình canh tác thuận theo tự nhiên này đang tạo ra những bước tiến vững chắc cho ngành lúa gạo, thủy sản, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Minh Thi

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn