Hội quán: Hun đúc tinh thần để nông dân xây dựng nông nghiệp

Cập nhật ngày: 11/05/2018 09:54:17

ĐTO - Tại buổi gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng với các thành viên của Hội quán nông dân vừa qua, nhiều vấn đề thời sự của tỉnh đã được các thành viên Hội quán thẳng thắn trao đổi đã được người đứng đầu tỉnh, các ban, ngành lắng nghe, tiếp nhận.


Nông dân Thanh Long Hội quán bày tỏ nguyện vọng đến lãnh đạo tỉnh

Đây là hội nghị trực tuyến đầu tiên giữa lãnh đạo tỉnh với tất cả các Hội quán nông dân. Chương trình nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con Hội quán, cũng như thông tin về những chủ trương, chính sách của tỉnh đến Hội quán...

Qua các ý kiến, thắc mắc của thành viên Hội quán cho thấy người nông dân hiện nay nắm khá rõ và ý thức quan tâm, tìm hiểu về các nhiệm vụ, chủ trương, chính sách, giải pháp của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò của người nông dân trong thời đại mới. Theo đó, mở đầu buổi đối thoại, nhiều nông dân Hội quán đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề làm thế nào để đưa nông sản vào siêu thị cũng như các thị trường khó tính; đầu ra nông sản, giá cả, những tiêu chuẩn cần đạt được để nông dân bắt nhịp với xu hướng của thị trường?

Gợi ý, định hướng và trả lời các câu hỏi của nông dân Hội quán, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Hữu Dũng cho rằng: Liên kết tiêu thụ nông sản là vấn đề thiết yếu hiện nay, nhất là nông sản phải đạt các chứng nhận về VietGAP, GlobalGAP. Do vậy, chủ nhiệm các Hội quán cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tư tưởng cho người dân trên địa bàn. Quan điểm của tỉnh đối với việc liên kết tiêu thụ nông sản là phải vận động nông dân toàn tỉnh cùng chung tay xây dựng nông nghiệp bền vững.

Cùng thực hiện mục tiêu này, các địa phương phải tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chất lượng như tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... giúp giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm... từ đó góp phần hỗ trợ Hội quán ngày càng phát triển ổn định.

Cùng với những câu hỏi về giải pháp nâng cao giá trị nông sản, đại diện nông dân các Hội quán cũng nêu lên thắc mắc về việc hỗ trợ lãi suất đối với cây trồng, vật nuôi; chính sách về tập trung đất đai; đối tượng để hưởng các chính sách hỗ trợ; giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững... Theo bà con nông dân, những vấn đề này cần các ngành chức năng và doanh nghiệp tham gia thường xuyên để gắn kết cùng nông dân xây dựng chuỗi giá trị nông sản.

Giải đáp những vấn đề này, ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã thông tin đến bà con Hội quán về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hướng dẫn chính sách cho vay tích tụ đất đai trên địa bàn tỉnh (theo Nghị quyết số 138/NQ-2017 ngày 7/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh). Tuy nhiên, do quá trình triển khai đến bà con khá nhanh nên để hiểu rõ hơn và nắm bắt chính sách một cách hoàn chỉnh, nông dân Hội quán và bà con trên địa bàn tỉnh nếu có nhu cầu về việc hỗ trợ lãi suất theo các chính sách nói trên có thể đến trực tiếp Phòng Kinh tế (thị xã), Phòng Nông nghiệp huyện để nắm thêm thông tin và yêu cầu hỗ trợ thông tin một cách cụ thể.

Bên cạnh các ý kiến đóng góp, nhiều nông dân hội quán cũng mong muốn tỉnh duy trì hoạt động này mỗi tháng/lần hoặc mỗi quý/lần để tạo cơ hội cho nông dân được trao đổi, chia sẻ thông tin với các chuyên gia, ngành chức năng cùng tìm giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, bà con nông dân cho rằng tỉnh cần có cơ quan chủ quản làm đầu mối tiếp nhận và tổng hợp thông tin về Hội quán để nông dân có thể tiện chia sẻ khó khăn và nhu cầu của Hội quán đến lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành liên quan...

Đánh giá cao những chia sẻ thẳng thắn của bà con Hội quán trong buổi đối thoại trực tuyến đầu tiên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương cho biết, buổi gặp gỡ này chỉ là bước khởi đầu, tạo cơ hội cho nông dân tiếp cận với việc ứng dụng công nghệ thông tin bằng hình thức họp trực tuyến, đồng thời để lãnh đạo tỉnh tiếp nhận nhanh chóng những khó khăn của Hội quán. Tuy nhiên, nông nghiệp và vấn đề phát triển nông sản vẫn còn nhiều chính sách mà chúng ta chưa khai thông được đến bà con nông dân. Sau hội nghị này, tỉnh sẽ xem xét những thắc mắc và nhu cầu của các Hội quán để có những buổi họp mặt tiếp theo qua hình thức nói chuyện chuyên đề; kết nối với các chuyên gia, các nhà khoa học hướng dẫn, chuyển giao những kỹ thuật sản xuất mới, phương pháp giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm... để nông dân nắm bắt và thay đổi theo mô hình sản xuất mới.

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Văn Dương, nguyên tắc tự nguyện hoạt động theo mô hình Hội quán là một xu thế phát triển tích cực hiện nay. Đây là một ý tưởng do Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan gợi ý thực hiện, mặc dù thời gian đầu còn nhiều lúng túng trong cách thức sinh hoạt, nhưng sau hội nghị trực tuyến này, địa phương đã định hình được cách thức sinh hoạt và sẽ làm phong phú hơn những nội dung tương tác giữa chính quyền và nông dân hội quán.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, sắp tới, ngoài 26 Hội quán được kết nối công nghệ thông tin với tỉnh theo hình thức trực tuyến, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết bị, đường truyền internet cho các Hội quán để kết nối trực tuyến với tỉnh, tạo thuận lợi trong tiếp cận thông tin. Mục tiêu nhằm hun đúc tinh thần để nông dân xây dựng nông nghiệp Đồng Tháp phát triển bền vững.

Sau Canh Tân Hội quán ở xã An Nhơn (huyện Châu Thành) được thành lập đầu tiên vào tháng 6/2016, đến nay toàn tỉnh có 50 Hội quán với hơn 2.000 thành viên tham gia. Mỗi Hội quán thường tập hợp những hộ nông dân cùng ngành nghề như: nuôi tôm, cá, trồng xoài, lúa, nhãn... Các Hội quán hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, không có một tổ chức chính trị nào điều hành, các thành viên Hội quán tự bầu chọn ra 1 chủ nhiệm, tự tổ chức các buổi hội họp thường kỳ để hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, gắn kết quan hệ làng xóm.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn